Sản xuất xanh là yếu tố quan trọng đối với hàng hóa xuất khẩu - Ảnh minh họa. |
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các thị trường xuất khẩu lớn như Liên minh châu Âu (EU) đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn sản xuất. Điều này không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam "lột xác", hướng tới sản xuất xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Không chỉ chất lượng sản phẩm, các thị trường xuất khẩu lớn hiện nay còn đòi hỏi hàng hóa phải thân thiện với môi trường và được sản xuất theo quy trình. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới, từ công nghệ sản xuất, kiểm soát chuỗi cung ứng đến năng lực quản trị.
Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD), với các chính sách như Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” (F2F), Kế hoạch hành động Kinh tế tuần hoàn mới (CEAP) và đặc biệt là Cơ chế điều chỉnh các-bon tại biên giới (CBAM), đang tạo ra áp lực to lớn lên các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Dự kiến từ nay đến năm 2030, CBAM sẽ đánh thuế đối với các mặt hàng sắt thép, nhôm, xi-măng, phân bón, hydro nếu không đạt được mức phát thải phù hợp. Ngành thép Việt Nam, với lượng phát thải các-bon lớn (tương đương 3,5 tỷ tấn/năm, chiếm khoảng 7-9% tổng lượng phát thải quốc gia), đang chịu áp lực lớn từ cơ chế này. Từ tháng 3/2024, thị trường EU đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái, chuẩn mực về bền vững hay minh bạch trong chuỗi cung ứng,... ảnh hưởng mạnh đến ngành da giày Việt Nam, vốn đang có kim ngạch xuất khẩu hơn 6,5 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024.
Mặc dù các tiêu chuẩn xanh mới đặt ra nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam thay đổi và phát triển. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn này không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường EU, đối tác thương mại lớn với tốc độ tăng trưởng kim ngạch ngày càng lớn dưới tác động lan tỏa của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), mà còn mở ra cánh cửa đến nhiều thị trường khác trên thế giới. Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh còn mang lại nhiều lợi ích khác như tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hình ảnh thương hiệu và thu hút đầu tư.
Thị trường cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp Việt Nam có thể tồn tại và phát triển trên thị trường quốc tế. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam "lột xác", nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Cuộc chiến giữa tiềm năng và thách thức gia vị Việt |
Thị trường quốc tế rộng cửa, hàng Việt Nam tỏa sáng |
Gạo, tiêu Việt "giảm nhiệt" tại Trung Quốc |