![]() |
Nông nghiệp hữu cơ không chỉ là một mô hình sản xuất, mà còn là lời cam kết với sức khỏe con người và bảo vệ hành tinh xanh. (Ảnh: Cáp Vương) |
Nông nghiệp hữu cơ ngày càng được xem là giải pháp bền vững cho tương lai, tuy nhiên một loạt hành vi vô ý thức và có chủ đích từ con người đang âm thầm hủy hoại mô hình canh tác này. Tình trạng đó đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp sạch, từ nguy cơ mất uy tín thị trường đến tác động lâu dài lên hệ sinh thái.
Nông nghiệp hữu cơ dưới sức ép từ con người
Nông nghiệp hữu cơ là phương thức canh tác không sử dụng hóa chất tổng hợp và thân thiện với môi trường. Đây là phương thức được đánh giá là xu thế tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm đất và khủng hoảng an toàn thực phẩm. Dù mang lại nhiều lợi ích rõ ràng nhưng mô hình này đang phải đối mặt với các hành vi phá hoại có hệ thống và rải rác, xuất phát từ sự thiếu ý thức, cạnh tranh không lành mạnh hoặc phát triển đô thị thiếu kiểm soát…
Theo một báo cáo từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), các yếu tố con người đang là một trong những trở ngại lớn nhất với sự phát triển bền vững của nông nghiệp hữu cơ tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.
Những hình thức “phá hoại” phổ biến
Ô nhiễm chéo từ khu canh tác hóa học: Một trong những vấn đề nổi cộm là tình trạng ô nhiễm chéo từ các nông trại sử dụng hóa chất ở gần khu vực canh tác hữu cơ. Việc phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ, hay sử dụng phân bón hóa học không kiểm soát có thể theo gió, nước hoặc đất xâm nhập vào vùng hữu cơ, làm mất tiêu chuẩn và chứng nhận của sản phẩm.
![]() |
Việc lạm dụng sử dụng thuốc hóa học có thể gây ô nhiễm chéo. |
Gian lận trong chuỗi cung ứng: Không ít doanh nghiệp hoặc cá nhân vì chạy theo lợi nhuận đã trộn lẫn sản phẩm không đạt tiêu chuẩn vào chuỗi cung ứng hữu cơ, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Hành vi này không chỉ vi phạm đạo đức kinh doanh mà còn đẩy lùi niềm tin vào toàn bộ ngành hàng.
Phá hoại có chủ đích từ đối thủ cạnh tranh: Một số nông trại hữu cơ đã phản ánh tình trạng bị phá hoại từ các cá nhân được nghi là đối thủ cạnh tranh. Với các hành vi như: phá hỏng hệ thống tưới tiêu, thả sâu bệnh, hoặc đốt vườn cây. Những hành vi này không chỉ gây tổn thất kinh tế trực tiếp mà còn ảnh hưởng lâu dài đến khả năng phục hồi của hệ sinh thái canh tác.
Tác động tiêu cực từ người dân địa phương như nhiều hành vi phá hoại xuất phát từ sự thiếu hiểu biết: xả rác thải sinh hoạt gần nguồn nước tưới tiêu, chăn thả gia súc vào ruộng canh tác, hoặc sử dụng hóa chất để diệt cỏ gần nông trại hữu cơ. Mặc dù không mang tính chất cố ý, những hành động này vẫn để lại hậu quả nặng nề.
![]() |
Xả rác thải sinh hoạt gần nguồn nước cũng gây tác động xấu đến nông nghiệp hữu cơ. |
Công nghiệp hóa thiếu quy hoạch: tại nhiều địa phương, việc cấp phép xây dựng một số nhà máy, khu dân cư, hoặc dự án giao thông sát vùng trồng hữu cơ mà không có đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng đang khiến nguồn nước, không khí và đất đai bị ô nhiễm. Đây là mối đe dọa dài hạn đối với nền nông nghiệp sạch.
Hiện nay, tình trạng thu hồi đất nông nghiệp để giao cho các dự án bất động sản hoặc phát triển hạ tầng đang khiến nhiều nông trại hữu cơ mất trắng thành quả sau nhiều năm đầu tư cải tạo đất. Việc định giá đất chưa phản ánh đúng giá trị sinh thái khiến nông dân rơi vào thế bị động và dễ bị tổn thương.
Hệ lụy khôn lường
Các hành vi phá hoại nông nghiệp hữu cơ cho dù là tiếp hay gián tiếp, đều để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng.
Làm mất đi niềm tin của người tiêu dùng khi chất lượng sản phẩm hữu cơ bị nghi ngờ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nhà sản xuất đến nhà phân phối.
Mỗi vụ mùa bị phá hoại là một cú sốc tài chính cho nông dân, đặc biệt với mô hình sản xuất nhỏ lẻ. Ngoài ra, chi phí tái canh tác, tái chứng nhận hữu cơ rất cao, vì vậy sẽ gây tổn thất lớn về kinh tế.
Mặt khác, do một số hành vi làm ô nhiễm đất, nước và không khí sẽ làm giảm sự hiện diện của vi sinh vật có lợi, côn trùng thụ phấn và các loài sinh vật hỗ trợ cây trồng. Đây sẽ là nguyên nhân làm suy giảm đa dạng sinh học.
![]() |
Ô nhiễm đất, nước là nguyên nhân chính gây suy giảm đa dạng sinh học. |
Đặc biệt, việc đối mặt với các rủi ro từ hành vi con người sẽ khiến cho nhiều nông dân nản lòng dẫn đến từ bỏ mô hình hữu cơ, gây chậm tiến độ trong mục tiêu phát triển xanh quốc gia, làm chậm trễ trong chuyển đổi nông nghiệp bền vững.
Giải pháp và kiến nghị
Để bảo vệ nông nghiệp hữu cơ giảm thiểu tối đa các hành vi phá hoại, một số chuyên gia, nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách khuyến nghị cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như:
Tăng cường nhận thức cộng đồng: Các chương trình giáo dục, truyền thông về giá trị của nông nghiệp hữu cơ nên được lồng ghép vào chính sách phát triển nông thôn.
Quy hoạch vùng trồng hợp lý: Cần thiết lập các vùng đệm sinh thái, có khoảng cách an toàn giữa nông trại hữu cơ và khu vực canh tác truyền thống hoặc khu công nghiệp.
Giám sát chuỗi cung ứng bằng công nghệ: Áp dụng mã QR, blockchain và hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp hạn chế gian lận thương mại.
![]() |
Minh bạch chuỗi cung ứng là yếu tố sống còn với hàng hóa hữu cơ. |
Các hành vi phá hoại cần được xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc hình sự để đảm bảo tính răn đe.
Ngoài ra, việc hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho nông dân hữu cơ cần được quan tâm, Nhà nước nên có chính sách trợ giá, bảo hiểm mùa vụ và hỗ trợ tái chứng nhận để giúp nông dân yên tâm trước các rủi ro.
Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ không chỉ là một mô hình sản xuất, mà còn là lời cam kết với sức khỏe con người và bảo vệ hành tinh xanh. Tuy nhiên, để nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững, cần có sự quyết liệt, chung tay của mọi người. Ngăn chặn các hành vi phá hoại từ con người không chỉ là bảo vệ cây trồng, mà còn là giữ gìn tương lai xanh cho thế hệ sau./.