Chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học là một xu thế tất yếu, để đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững và hiệu quả - Ảnh minh họa. |
Phát biểu tại Tọa đàm "Giải pháp phát triển chăn nuôi lợn hữu cơ, an toàn sinh học góp phần phát triển chăn nuôi bền vững", ngày 3/12, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết, ngành chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, đảm bảo thực phẩm trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa từ dịch bệnh. Theo Cục Thú y, đến tháng 11/2024, cả nước đã xảy ra 1.452 ổ dịch tại 1.103 xã trên 48 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 81.000 con lợn, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Vì vậy, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học là một xu thế tất yếu, để đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững và hiệu quả.
Chăn nuôi lợn được xác định là ngành chủ lực, quan trọng và đang chuyển dịch dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ. Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.
Trong năm 2023, cả nước có 17 tỉnh, thành phố có mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ với trên 75 nghìn con; sản lượng thịt hơi gần 7.000 tấn; có 19 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận sản phẩm sản xuất phù hợp về nông nghiệp hữu cơ. Tính đến thời điểm hiện tại cả nước có 2.257 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại 59 tỉnh; trong đó, số cơ sở do Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ triển khai công nhận 188 cơ sở chiếm 8,3% tổng số cơ sở được công nhận trên cả nước.
Bên cạnh đó, việc chăn nuôi lợn hữu cơ phải đối mặt với nhiều khó khăn như chính sách ưu đãi đối với nông nghiệp hữu cơ chưa hoàn thiện và đồng bộ; chưa có quy hoạch chi tiết về vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ; thị trường không ổn định, giá các sản phẩm còn cao, chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ chăn nuôi thông thường sang chăn nuôi hữu cơ. Chăn nuôi an toàn sinh học chỉ được thực hiện tốt tại các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại. Phần lớn cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong quá trình chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, chuồng trại, điều kiện cách ly không đáp ứng yêu cầu của chăn nuôi an toàn sinh học. Tại các vùng chăn nuôi tập trung với mật độ chăn nuôi cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường, dễ phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm.
Theo ông Đường Công Hoàn, Phó trưởng phòng Môi trường chăn nuôi, Cục Chăn nuôi, trước diễn biến phức tạp của bệnh truyền nhiễm việc việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và hữu cơ là hết sức cấp thiết để phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Người chăn nuôi cần chú trọng giảm phát thải, chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn để nhằm tăng thêm giá trị gia tăng; tìm kiếm nguồn nguyên liệu khác thay thế nguồn protein thức ăn từ sinh khối vi sinh vật, từ tảo biển, từ côn trùng.
Ngoài ra, ngành chăn nuôi tăng cường thực hiện chuyển đổi số và truyền thông khuyến nông, chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất chăn nuôi sang tư duy kinh tế chăn nuôi nhằm thúc đẩy quản lý và sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi gắn với hoạt động du lịch.