Longform

[Longform] Chăn nuôi gà thịt bản địa theo hướng hữu cơ: Người khoẻ, môi trường khoẻ, giá trị cao

Người khoẻ,
môi trường khoẻ,
giá trị cao

Dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2022 -2024 “Chăn nuôi gà thịt bản địa hướng theo hữu cơ và chứng nhận OCOP gắn liền với tiêu thụ sản phẩm” đã giải quyết được cùng lúc nhiều vấn đề của ngành chăn nuôi gà, giúp người chăn nuôi khoẻ, giảm tối đa ô nhiễm môi trường và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Người khoẻ, môi trường khoẻ, giá trị cao

Thiếu quy chuẩn chất lượng

Từ lâu, gà là vật nuôi khá gần gũi với người nông dân, mang lại nhiều lợi ích cho con người và có nhiều lợi thế để phát triển. Ở nhiều địa phương, chăn nuôi gà đã trở thành một trong những nghề sản xuất chính trong sản xuất nông nghiệp.

Về mặt xã hội, chăn nuôi gia cầm đã có vị thế mới, góp phần làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu các ngành sản xuất trong nông nghiệp và xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam, thể hiện ở số lượng gia cầm tăng bình quân mỗi năm trên 10%. Đàn gia cầm hiện nay đạt 559 triệu con, sản lượng thịt hơi của gia cầm đạt trên 1,3 triệu tấn, trứng đạt trên 13 tỷ quả.

Sản phẩm thịt gà là sản phẩm được sử dụng thường xuyên trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày của người dân, nên việc tiêu thụ sản phẩm khá thuận lợi (theo số liệu thống kê thịt gà chiếm tỷ lệ trên 20% nhu cầu thịt trên thị trường, định hướng đến 2025 là 28%); Chi phí đầu tư chăn nuôi gà thấp, khả năng quay vòng vốn nhanh, thức ăn có thể tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp… Phân gà có giá trị dinh dưỡng cao, phù hợp cho rất nhiều loại cây trồng.

Nhưng thực trạng hiện nay, chăn nuôi gà đang sử dụng kháng sinh thiếu kiểm soát; chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi và con người, gây hiệu ứng nhà kính, phát tán mầm bệnh cho vật nuôi và cho con người.

Mặt khác qua khảo sát đánh giá hiện trạng chăn nuôi gà còn bộc lộ một số tồn tại, bất cập như: (1) Đa số quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả chăn nuôi còn thấp; (2) Liên kết giữa các hộ chăn nuôi chưa chặt chẽ, chưa có nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã; (3) Sản phẩm xuất bán mới chỉ quan tâm đến thị trường bình dân, chất lượng trung bình, chưa quan tâm đến sản phẩm chất lượng cao, nuôi hướng theo hữu cơ để cung cấp cho thị trường khách hàng có thu nhập cao; (4) Chưa tham gia các chương trình ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc; (5) Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật còn nhiều hạn chế.

Từ tồn tại bất cập trên dẫn đến chăn nuôi gà hiệu quả thấp, sản phẩm có tính cạnh tranh chưa cao, phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế phát triển chăn nuôi, đặc biệt ở khu vực miền núi phía Bắc.

Thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg, ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; trong đó nhấn mạnh quan điểm là đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ.

Căn cứ tình hình thực tế sản xuất nông nghiệp Việt Nam như hiện nay, để sản phẩm chăn nuôi đảm bảo đạt 100% tiêu chí hữu cơ là rất khó khăn (theo tiêu chuẩn Việt Nam số TCVN 11041-3:2017 về Nông nghiệp hữu cơ, phần III: Chăn nuôi hữu cơ; Nghị định số 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ) nên các địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức sản xuất lựa chọn hướng đi sản xuất hướng theo hữu cơ tích cực ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi, nâng cao tính cạnh tranh, đặc biệt tạo ra những sản phẩm chăn nuôi mới chất lượng cao, nhưng đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi.

Những năm qua dịch cúm gia cầm H5N1, H5N6 và H7N9 đã gây thiệt hại nặng nề, đồng thời phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước có công nghệ và quy mô lớn hơn như Thái Lan, Brazil và Mỹ. Cụ thể, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, nhập khẩu gà, các sản phẩm gà nhập khẩu có giá rẻ hơn so với sản phẩm gà trong nước do có quy mô chăn nuôi lớn, hiệu quả kinh tế cao, chi phí sản xuất thấp, thiếu quy chuẩn và chứng nhận chất lượng. Đặc biệt, ngành chăn nuôi gà Việt Nam còn thiếu những quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các yêu cầu kỹ thuật.

Việc thiếu quy chuẩn gây khó cho việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, ngành chăn nuôi gà Việt Nam còn thiếu những chứng nhận uy tín về chất lượng sản phẩm, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu… Các chứng nhận này là những yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA. Đây là những yêu cầu khắt khe và mới mẻ đối với ngành chăn nuôi gà Việt Nam, yêu cầu sự nâng cao năng lực người chăn nuôi và chuyển đổi công nghệ.

Người khoẻ, môi trường khoẻ, giá trị cao
Người khoẻ, môi trường khoẻ, giá trị cao
Mô hình tại xã Tân Khánh, Phú Bình, Thái Nguyên năm 2023.

Kết quả thực hiện dự án

Để giúp bà con nông dân có kiến thức, kỹ năng chăn nuôi gà hướng theo hữu cơ và chứng nhận OCOP sản phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm - Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao và dịch vụ công nghệ sinh học hữu cơ (Bio-TCORTS), thuộc Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã và đang triển khai “mô hình chăn nuôi gà thịt bản địa hướng theo hữu cơ chứng nhận OCOP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”, nhằm hướng dẫn các tổ, hội, nhóm, hợp tác xã, những người chăn nuôi gà các kỹ thuật chăn nuôi gà thịt bản địa hướng theo hữu cơ, hướng dẫn liên kết trong chăn nuôi, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, biết quy trình chứng nhận sản phẩm OCOP, biết áp dụng công nghệ trong quản lý sản xuất và quảng bá bán hàng.

Những kiến thức này giúp bà con nông dân chăn nuôi hiệu quả, minh bạch quá trình sản xuất, đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm an toàn, không có chất kích thích tăng trưởng, không tồn dư kháng sinh, và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi truyền thống.

Ưu điểm của quy trình chăn nuôi gà hướng theo hữu cơ đó là xử lý triệt để chất thải chăn nuôi, không gây ô nhiễm cho người chăn nuôi, vật nuôi, cây trồng, môi trường… biến chất thải thành phân bón hữu cơ cung cấp cho trồng trọt hữu cơ, tăng tính tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, thêm nguồn thu cho người chăn nuôi.

Kết quả một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đạt được tại các mô hình như tỷ lệ nuôi sống đạt khá cao 95-96%; khối lượng bình quân gà thương phẩm giống gà H’Mông ở 14 tuần đạt được 1,43 kg/con, giống gà Mía là 1,65kg/con; tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng 14 tuần tuổi bình quân là 3,05 kg; hiệu quả kinh tế tăng 17,19% là do các hộ tham gia dự án áp dụng đúng và đồng bộ theo quy trình chăn nuôi gà thịt hướng theo hữu cơ do Trung tâm ban hành từ các khâu chuẩn bị khu vực chăn nuôi, chuồng trại, đệm lót, bãi thả, giống, thức ăn, phòng trị bệnh, quản lý sức khỏe, xử lý chất thải trong chăn nuôi, và thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi kết hợp ghi chép sổ nhật ký chăn nuôi đầy đủ.

hiệu quả xã hội

Do áp dụng đồng bộ quy trình nên chất thải như phân và nước tiểu gà phát sinh trong quá trình chăn nuôi cơ bản rất thấp do sử dụng đệm lót sinh học nên phân và nước tiểu được hệ si sinh vật có lợi phân giải ngay khi gà bài tiết ra, nền chuồng không nhìn thấy phân gà, quanh chuồng có hệ thống cây xanh xung quanh nên giải quyết 90% mùi hôi, nền chuồng đông ấm hè mát, gà khỏe mạnh cho năng xuất chất lượng tốt hơn.

Đệm lót sau lứa nuôi thu gom kết hợp với rác thải hữu cơ trong quá trình chăn nuôi đưa ra hố ủ phân sau 30 ngày đem ra bán hoặc sử dụng cho cây trồng tại vườn, vì vậy môi trường hạn chế được mầm bệnh phát tán.

Kết quả của dự án với 500 người chăn nuôi gà được đào tạo, tập huấn để hiểu biết về các chính sách chăn nuôi, chăn nuôi hữu cơ, cơ sở chứng nhận OCOP, kỹ thuật chọn giống và kiểm soát đầu vào, kỹ thuật phối trộn thức ăn, bảo quản và chế biến thức ăn, kỹ thuật chăm sóc gà thịt bản địa thương phẩm, kỹ thuật chuồng trại, đặc biệt tác dụng chuồng bố mái trong chăn gà bán chăn thả, kỹ thuật chuẩn bị bãi thả, kỹ thuật phòng và điều trị bệnh, biết liên kết trong chăn nuôi theo quy trình hữu cơ.

Thông qua dự án, người chăn nuôi hiểu biết được quá trình làm thế nào để cung cấp sản phẩm gà thương phẩm đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn OCOP, làm thế nào để sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, minh bạch quá trình sản xuất tới người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn người tiêu dùng, hiểu biết tiêu chuẩn điều kiện quy trình thủ tục đăng ký dự thi sản phẩm OCOP.

Chính vì vậy mô hình đã được nhân rộng, đạt 112.97% so quy mô. Cụ thể, sau khi đào tạo tập huấn, đã có nhiều hộ tình nguyện áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi gà thịt bản địa hướng theo hữu cơ, tạo việc làm ổn định và phát triển chăn nuôi gà thịt theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương; mở ra 1 hướng đi mới cho ngành chăn nuôi gà hướng theo hữu cơ, tạo ra bước đột phá mới trong tư duy chăn nuôi và tạo tiền đề cho các chuỗi liên kết chăn nuôi gà nói riêng và chăn nuôi nói chung trên địa bàn các tỉnh thành Hà Nội, Thái Nguyên. Đây là mô hình có triển vọng nhân rộng để các hộ chăn nuôi gà phát triển trong những năm tới.

Kết quả của dự án với 500 người chăn nuôi gà được đào tạo, tập huấn để hiểu biết về các chính sách chăn nuôi, chăn nuôi hữu cơ, cơ sở chứng nhận OCOP.
Kết quả của dự án với 500 người chăn nuôi gà được đào tạo, tập huấn để hiểu biết về các chính sách chăn nuôi, chăn nuôi hữu cơ, cơ sở chứng nhận OCOP.

Thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai

Dự án được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, Trạm khuyến nông huyện Quốc Oai, huyện Ba Vì, chính quyền địa phương các xã Đông Yên thuộc huyện Quốc Oai, xã Thụy An, xã Phú Sơn huyện Ba Vì, xã Tân Khánh huyện Phú Bình, sự hợp tác chặt chẽ của 5 Hợp tác xã thực hiện dự án là: 1-HTX chăn nuôi Yên Hòa Phú; 2-HTX Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì, 3-HTX tác xã Gà đồi hữu cơ Tân Phú, 4- HTX xã Chăn nuôi gà đồi Tân Tiến, 5- HTX dịch vụ chăn nuôi thủy sản Phú Thịnh và các cán bộ tham gia dự án. Dự án triển khai nằm trong vùng chăn nuôi gà tập trung của tỉnh, người dân có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi gà.

Việc tổ chức triển khai dự án có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị chủ trì với chính quyền địa phương, nên việc chỉ đạo, kiểm tra, triển khai mô hình tại cơ sở từ khâu chọn điểm, chọn hộ đến khâu tổ chức cấp phát vật tư hỗ trợ, tổ chức các hội nghị tập huấn, tham quan, hội thảo, tổng kết, nghiệm thu mô hình để dự án triển khai đạt hiệu quả cao.

Đơn vị chủ trì dự án có các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thực hiện các đề tài dự án về chăn nuôi, thú y, chế phẩm sinh học ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao; Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cung cấp nguyên liệu đầu vào và các chế phẩm sinh học cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao. Chẩn đoán dịch bệnh; Tư vấn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, chuyển giao công nghệ, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu.

Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai còn gặp phải những khó khăn như: Giá giống, thức ăn chăn nuôi, giá gà thịt không ổn định, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia mô hình; Các hộ chăn nuôi nằm trong khu vực chăn nuôi lâu năm, tập trung, mật độ nuôi dày... chính vì vậy dịch bệnh nhiều và đang sử dụng kháng sinh, hóa chất sát trùng rất nhiều, thiếu kiểm soát, ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước...Hầu hết các hộ chăn nuôi chưa qua đào tạo về nghề, chưa hiểu biết đầy đủ để thực hiện theo Luật an toàn vệ sinh lao động, Luật chăn nuôi, Luật Thú y...

Ngoài ra, các hộ chăn nuôi chưa chủ động được nguồn thức ăn, hầu hết phụ thuộc các công ty thức ăn chăn nuôi, công ty thuốc thú y, mặt khác đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh, không ổn định, phụ thuộc vào thương lái, lợi nhuận thấp.

Mô hình tại xã Thụy An, Ba Vì, Hà Nội năm 2023.
Mô hình tại xã Thụy An, Ba Vì, Hà Nội năm 2023.

Nội dung: PGS.TS.Trần Thị Hạnh - Ths.Mai Thị Lan Hương

Đồ họa: Hà An