Nhằm xây dựng phát triển các vùng chăn nuôi trên địa bàn huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Huyện đã triển khai thực hiện cơ cấu, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa quy mô lớn để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân.
Trong đó, để phát triển chăn nuôi bền vững huyện Kiến Xương đã triển khai kế hoạch xây dựng xã, vùng chăn nuôi trọng điểm giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tập trung xây dựng, phát triển các vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với các con giống chủ lực, thế mạnh địa phương được tổ chức sản xuất theo kế hoạch tập trung, bảo đảm số lượng sản phẩm đủ lớn, chất lượng đồng nhất đáp ứng thị trường tiêu thụ; tăng cường áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, có liên kết bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Ảnh minh họa |
Trong giai đoạn 2024-2025, huyện Kiến Xương đã triển khai tổng hợp, khảo sát, hoàn thành đánh giá các hoạt động chăn nuôi tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong đó, các xã đáp ứng được các tiêu chí của vùng chăn nuôi trọng điểm như: chăn nuôi lợn tại các xã: An Bình, Lê Lợi, Bình Định; chăn nuôi gia cầm quy mô vừa và lớn tại các xã: Bình Nguyên, An Bình, Bình Thanh, Minh Quang, Quang Trung, Minh Tân, Trà Giang; Đối với chăn nuôi trâu, bò khuyến khích phát triển chăn nuôi tại các xã vùng duyên giang của huyện như: Minh Tân, Quốc Tuấn, Trà Giang, Hồng Tiến, Vũ Hòa, Vũ Công, Vũ Bình, Minh Quang, Lê Lợi.
Hướng tới mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững giai đoạn 2025 – 2030, huyện sẽ triển khai kế hoạch hình thành và phát triển 2 vùng chăn nuôi trọng điểm về lợn và gia cầm tại các địa phương có lợi thế về chăn nuôi.
Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả kế hoạch xây dựng vùng chăn nuôi trọng điểm. Huyện Kiến Xương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, triển khai có hiệu quả, thực chất các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Bảo vệ môi trường, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật; các chủ trương, chính sách phát triển chăn nuôi của tỉnh, huyện, hướng dẫn của ngành chuyên môn về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường bền vững…