![]() |
Hoàng Văn Ba người đưa cua, cáy, rươi vào đồng ruộng |
Với tầm nhìn sắc bén, sự tận tâm và khả năng gắn kết "ba nhà" (nhà khoa học, doanh nghiệp, người nông dân), ông Ba đã trở thành người "thổi lửa", đưa ruộng lúa của gia đình ông và rộng ra là nông nghiệp Minh Tân từ những phương thức truyền thống tiến lên một tầm cao mới: nông nghiệp sạch, bền vững và hiệu quả.
Người nông dân với tư duy năng động, sáng tạo
Hoàng Văn Ba không phải là một người xa lạ với đồng ruộng. Ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Minh Tân, gắn bó với cây lúa, con rươi, con cua, con cáy, từ thuở nhỏ. Chính vì vậy, ông thấu hiểu sâu sắc những khó khăn, vất vả mà người nông dân địa phương phải đối mặt. Từ sự bấp bênh của giá cả nông sản, rủi ro thiên tai, dịch bệnh, đến hạn chế trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, nguồn vốn...
Với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được, đặc biệt là tinh thần học hỏi không ngừng, Hoàng Văn Ba đã được tín nhiệm bầu làm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Tân. Đây là một bước ngoặt quan trọng, mở ra cánh cửa cho ông hiện thực hóa những trăn trở và hoài bão về một nền nông nghiệp hiện đại, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bà con quê hương. Nhưng không thể đưa bà con ra làm “chuột bạch” anh mạnh dạn thử nghiệm phương thức canh tác mới ngay trên chính những thửa ruộng của mình. Để từ đó dẫn dắt bà con từng bước làm chủ công nghệ mới.
Khởi nguồn cho sự đổi mới: Nông nghiệp sạch
Ông Hoàng Văn Ba nhanh chóng nhận thấy rằng để nông sản Minh Tân có thể cạnh tranh và phát triển bền vững, việc sản xuất theo lối cũ là không thể. Nhu cầu về thực phẩm sạch, an toàn ngày càng cao của thị trường đã thôi thúc ông định hướng và cơ cấu lại toàn bộ hoạt động của mình theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch. Ông Ba bắt đầu bằng việc thay đổi tư duy sản xuất từ chạy theo số lượng sang chú trọng chất lượng và an toàn. Đây là một quá trình không hề dễ dàng, đòi hỏi sự kiên trì và học hỏi, bởi người nông dân đã quen với phương thức canh tác truyền thống từ ngàn đời. Thậm chí có người coi phân hóa học và thuốc trừ sâu hóa chất như một “cứu cánh”, thứ không gì thay thế được.
Ông đã mạnh dạn thử nghiệm và áp dụng các quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ông đặc biệt quan tâm đến mô hình lúa - rươi - cua - cáy một mô hình của địa phương, nơi các sinh vật thủy sinh tự nhiên phát triển trong môi trường ruộng sạch, mang lại giá trị kinh tế cao và đảm bảo tính bền vững của hệ sinh thái. Ông chủ động tìm hiểu và mạnh dạn đầu tư vào các công nghệ mới như hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước, coi trọng khâu quản lý, thu hoạch và chế biến. Dù vốn còn hạn chế, ông vẫn ưu tiên những giải pháp mang lại hiệu quả lâu dài và thân thiện với môi trường.
![]() |
Người luôn thân thiết, chia sẻ với nhà khoa học |
Kết nối "ba nhà" có sự chứng giám của nhà nước: chìa khóa của thành công
Điểm nổi bật trong phong cách của Hoàng Văn Ba chính là khả năng kết nối và phát huy sức mạnh tổng hợp của nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân. Ông hiểu rằng, một mình người nông dân hay chỉ trong phạm vi Hợp tác xã thì không thể tạo nên sự thay đổi lớn.
- Với nhà Khoa học: Ông Ba luôn tìm kiếm sự hợp tác từ các viện nghiên cứu, trường đại học để đưa khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất. Ông thường xuyên mời các chuyên gia, về tận ruộng đồng Minh Tân để tổ chức các lớp học, buổi nói chuyện chuyên đề về canh tác hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), kỹ thuật nuôi rươi, cua, cáy, hiệu quả và bền vững. Áp dụng các giống lúa mới có năng suất cao, kháng bệnh tốt. Nghiên cứu và tối ưu hóa môi trường sống cho rươi, cua, cáy để chúng phát triển tự nhiên, cho chất lượng tốt nhất. Nhận được sự tư vấn kịp thời về các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất, từ sâu bệnh đến chất lượng đất, nước.
- Với Doanh nghiệp: Ông Ba hiểu rằng sản xuất tốt nhưng không có đầu ra ổn định thì mọi cố gắng đều trở nên vô nghĩa. Vì vậy, ông tích cực xây dựng mối quan hệ với doanh nghiệp phân phối, chế biến nông sản. Ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm là yếu tố quan trọng giúp nông dân yên tâm sản xuất, không còn lo lắng về tình trạng "được mùa mất giá". Doanh nghiệp cam kết thu mua sản phẩm của ông với giá ổn định, thậm chí cao hơn thị trường sau qua kiểm định đạt chuẩn chất lượng.
Ông cùng các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chế biến từ rươi, cua, cáy, như chả rươi đông lạnh, mắm cáy đóng chai, bún riêu cua đóng gói... Việc này không chỉ kéo dài thời gian bảo quản mà còn nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Phối hợp với doanh nghiệp để tìm giải pháp xây dựng thương hiệu "Nông sản Minh Tân", "Rươi Minh Tân" với logo, bao bì chuyên nghiệp, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Dù tất cả đang mang tính khởi nghiệp nhưng quá trình làm đã thấy xuất hiện dáng dấp hiện đại phù hợp với xu thế phát triển. Tất cả mới chỉ bắt đâu nhưng hướng đi đã rõ vấn đề là làm thế nào để “cỗ máy chạy êm” một cách bền vững.
- Với người Nông dân: Đây là mối quan hệ cốt lõi nhất mà ông Hoàng Văn Ba luôn đặt lên hàng đầu. Ông không chỉ đồng hành cùng bà con, khuyến khích mọi người tham gia sản xuất lúa sạch, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất. Tạo môi trường hợp tác thân thiện. Thực ra, đây mới là vấn đề khó, làm nông nghiệp hữu cơ những năm đầu năng suất đạt có 120-150kg/sào trong khi đó sản xuất truyền thống đạt 250kg/sào, đấy là chưa kể đến quá trình cải tạo đất, kiểm soát sâu bệnh… Do vậy không phải ai cũng dám “liều mình” sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Ông luôn minh bạch trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân chia lợi nhuận công bằng, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhưng ai cùng tham gia. Ông luôn có mặt trên đồng ruộng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, kịp thời động viên và giải quyết khó khăn. Chính sự gần gũi, thấu hiểu này đã tạo nên niềm tin và sự đồng lòng trong họ, ngoài làng.
![]() |
chụp ảnh với khách từ vĩnh phúc lặn lội 200km đến học tập kinh nghiệm ngay trên bờ ruộng |
Thành quả và tầm ảnh hưởng
Mặc dù quy mô chưa lớn nhưng nhờ sự quyết tâm ông Ba đã đạt được nhiều thành quả đáng tự hào. Các sản phẩm lúa gạo, rươi, cua, cáy, của ông được công nhận về chất lượng và độ an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Nhiều sản phẩm đã có mặt trong chuỗi nhà hàng cao cấp. Đạt tiêu chuẩn nông sản sạch, chất lượng cao. Ông bật mí, thực ra cua, cáy, rươi từ sản phẩm phụ thành nguồn thu chính.
Thu nhập của gia đình ông ngày càng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần nâng cao rõ rệt. Gương làm nông sản sạch của ông trở thành điểm sáng về tăng trưởng kinh tế bền vững hiệu quả kinh tế trong ngành nông nghiệp của tỉnh. Ông và Hợp tác xã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương, từ việc đóng góp vào hạ tầng nông thôn đến nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Ông Hoàng Văn Ba ở Hợp tác xã Minh Tân đã trở thành mô hình điểm về phát triển nông nghiệp sạch và liên kết "ba nhà" được nhiều địa phương khác đến học tập, trao đổi kinh nghiệm. Theo tính toán của các chuyên gia nếu chỉ trồng lúa chỉ thu được 850.000đ/vụ/sào, nhưng nêu kết hợp tốt với rươi, cua, cáy, rạm có thể đạt 4.4400đ/vụ nghĩa là gấp 4 lần. Tất nhiên đây là cách tính khi “xuôi chèo mát mái”. Giá cua, cáy tại ruộng ở Minh Tân là 170.000đ/kg; ở Hà Nội 300.000đ/kg. Tuy nhiên, để cán đích các sản phẩm thành hàng hóa còn phải học, phải làm, phải nhân rộng mô hình một cách bài bản. Và đất, nước phải sạch chỉ cần dính một chút đến phân hay thuốc trừ sâu hóa học, hạt lúa có thể nhiễm kim loại nặng, dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép và đặc biệt cua, cáy, rươi sẽ không còn có mặt trong ruộng lúa.
![]() |
Tận hưởng niềm vui khi đã vượt qua 3 năm trung thành với nông nghiệp sạch |
Tầm nhìn và cam kết cho tương lai
Hoàng Văn Ba không ngừng đặt ra những mục tiêu cao hơn cho Hợp tác xã Minh Tân. Ông đang hướng tới việc ứng dụng sâu rộng hơn nữa công nghệ 4.0 vào nông nghiệp, từ giám sát bằng công nghệ, Camera phân tích dữ liệu để tối ưu hóa mọi quy trình sản xuất. Mục tiêu cuối cùng vẫn là tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao nhất, nâng tầm thương hiệu Minh Tân và mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc bền vững cho gia đìn và bà con nông dân.
Quá trình này còn cần nhiều cố gắng và sự đồng thuận của bà con song xu hướng thực hành nông nghiệp thông minh luôn cháy bỏng trong ông. Ông tâm sự, làm nông nghiệp không thể thấy thắng một hai vụ mà tự mãn quan trọng là luôn cập nhật thông tin, luôn đổi mới để đạt được định hướng và xu thế. Khi quy mô lớn hơn sẽ phải có cách quản lý phù hợp bảo đảm hiệu quả.
Có thể nói, Hoàng Văn Ba không chỉ là một nông dân mà còn là nhà quản lý có tâm và có tầm, một người gắn bó với vùng đất lợ mặn Kiến Xương. Bằng sự nhiệt huyết và khả năng kết nối linh hoạt, ông đã biến đồng ruộng của nhà mình thành một câu chuyện thành công đầy cảm hứng về nông nghiệp sạch trong thời kỳ hội nhập và phát triển để làm gương cho bà con. Biết rằng thay đổi nhận thức và hành vi là một quá trình lâu dài nhưng ông vẫn tin tưởng và kiên trì thực hiện và luôn nghĩ, chắc chắn phương thức canh tác mới sẽ trở thành phổ biến.
Hiện nay đã có nhiều gia đình đăng ký thực hiện theo mô hình kinh tế xanh. Tuy nhiên để áp dụng công nghệ cao trên diện rộng cần có bước đi hợp lý phù hợp với nhận thức và quá trình tiếp nhận kỹ thuật của người dân. Song chân trời nông nghiệp hữu cơ đã có bài học. Hy vọng mô hình lúa rươi, cua, cáy sẽ được nhân rộng trên vùng lúa quê hương Thái bình./.