Những người đi đầu
Hiểu được tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhiều người làm nông nghiệp tại Hải Dương đã lựa chọn con đường này từ rất sớm. Gần 10 năm trước, anh Mai Xuân Thịnh là một trong những người đi đầu phát triển nông nghiệp hữu cơ ở huyện Gia Lộc. Anh chọn mảnh đất Toàn Thắng, nơi có truyền thống thâm canh rau màu để lập nghiệp. Thời điểm đó, lĩnh vực mà anh theo đuổi còn khá mới mẻ với độ mạo hiểm cao. Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ đòi hỏi sự công phu, bài bản từ hạ tầng canh tác đến kỹ thuật sản xuất. Anh đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới, sản xuất rau ít can thiệp bởi hoá chất.
Anh Thịnh xác định muốn thành công thì phải thiết lập được mối quan hệ giữa “4 nhà”. Khu thâm canh rau màu hữu cơ của anh Thịnh luôn có kĩ sư nông nghiệp theo sát các quy trình, bảo đảm các điều kiện sản xuất nghiêm ngặt. Anh còn tạo mối liên hệ với các đơn vị, cơ sở có nhu cầu thu mua, đồng thời có những kiến nghị, đề xuất lên cơ quan chức năng để cùng tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất. Hiện anh đã thành lập Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ HD-Green để thuận lợi cho việc sản xuất, tạo dựng hình ảnh cho sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ.
Trước đây, nông dân ở vựa cà rốt xã Đức Chính (Cẩm Giàng) chỉ sản xuất theo kinh nghiệm, thói quen nên có thời điểm chất lượng sản phẩm không bảo đảm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống siêu thị. Vì thế giá bán cà rốt phụ thuộc vào thương lái, có thời điểm bị ép giá. Khoảng 3 năm trở lại đây, được sự quan tâm của cơ quan chuyên môn, nhận thức của người trồng cà rốt về sản xuất xanh, sạch được nâng lên. Nông dân chú ý tới quy trình sản xuất an toàn để làm ra sản phẩm đạt chuẩn. Hiện toàn bộ diện tích khoảng 350 ha trồng cà rốt tại xã đã sản xuất theo quy trình VietGAP, một số diện tích được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn.
Tứ Kỳ là địa phương đầu tiên của Hải Dương có diện tích sản xuất nông nghiệp được công nhận đạt chuẩn hữu cơ. Xuất phát từ nguồn lợi rươi, cáy được thiên nhiên ưu đãi nên từ lâu, nông dân canh tác ven sông Thái Bình đã có ý thức bảo tồn, gìn giữ môi trường sống cho rươi cáy phát triển. Thời gian gần đây, ngoài tập trung bảo tồn, khai thác rươi cáy ngoài bãi thì huyện còn quan tâm, nuôi dưỡng nguồn rươi cáy trong đồng.
Hiệu quả
Ngày 23/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg về Phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Tại Hải Dương, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã ban hành và thực hiện Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua Hải Dương đã áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí sản xuất. Qua đó đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Cùng với đó, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh đã góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết phát triển nông nghiệp xanh là công việc đột phá của huyện. Do đó, huyện luôn sát sao chỉ đạo, đồng hành cùng người dân hướng tới phát triển nông nghiệp xanh bền vững. Không chỉ khai thác nguồn lợi sẵn có, huyện định hướng xây dựng vùng nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm để nâng cao giá trị của sản xuất xanh.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, toàn tỉnh có 5 doanh nghiệp, 14 hợp tác xã và gần 1.260 gia đình tham gia hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tổng diện tích đất trồng trọt sản xuất hữu cơ của tỉnh trên 532 ha, trong đó có hơn 528 ha lúa, sản lượng ước đạt 23.782 tấn/năm; 347 ha thủy sản hữu cơ... Nhiều đơn vị, sản phẩm đã được chứng nhận hữu cơ như Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh (Tứ Kỳ); hơn 104 ha lúa, 25 ha chuối, 5 ha mít, hơn 2 ha rau ăn lá, rau gia vị...
Thời gian tới, ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục quy hoạch, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, trong đó ưu tiên những vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho từng loại cây trồng, vật nuôi sản xuất hữu cơ. Nâng cao năng lực quản lý về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Các cơ quan chuyên môn sẽ thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển các chuỗi giá trị, trong đó nâng cao vai trò của doanh nghiệp liên kết với nông dân…