![]() |
Chủ nhiệm Hợp tác xã Thống Nhất - Bùi Văn Chiến giới thiệu với Nhà báo về chương trình liên kết với Tập đoàn Quế Lâm. |
Ngoài công việc chính quyền của một “ông hội đồng”, vợ chồng Lê Anh Sơn còn trồng 2 mẫu lúa (tương đương 20 sào Trung bộ), trong đó có 6 sào (3.000 m2) nuôi rươi trên lúa.
Cùng chúng tôi ra cánh đồng giữa nắng xuân có Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Thống Nhất, Bùi Văn Chiến. Anh cho biết, cả hợp tác xã có 218 ha đất nông nghiệp, ứng với 536 mẫu, tức là 2.180.000 m2 diện tích đất trồng lúa. Toàn hợp tác xã có hơn 690 xã viên, đều là những nông dân giỏi giang, cần cù.
- Xưa manh mún anh à. Chiến chậm rãi, may là Hà Tĩnh nói chung, trong đó có Nghi Xuân từ nhiều năm trước đã vận động nông dân thực hiện cuộc “cách mạng” dồn điền đổi thuở. Không dồn, không sử dụng được máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Bây giờ đồng ruộng Nghi Xuân thẳng cánh cò bay.
Tôi nhìn theo cánh tay của Chiến chỉ về hướng trước mặt. Đúng là cánh đồng mênh mông.
- Anh thử tính, một công cấy bây giờ 400.000 đồng, trong khi thuê máy cấy chỉ mất 120.000 đồng/sào; trong khi 2 thợ cấy trong ngày mới xong 1 sào. Bùi Văn Chiến nói tiếp, người nông dân tính được cái nào thiệt cái nào lợi và tự quyết định, không mất công vận động như trước.
Theo anh Chiến, trong số 218 ha, Thống Nhất có 10 ha cấy lúa nuôi rươi. Từ năm 2022, bà con nông dân bắt đầu cải tạo đất. Con rươi, không hề dễ tính.
- Tính ra để cải tạo được 10 ha đó, nông dân phải đầu tư vốn đến 1,5 tỷ đồng. Hói Ải của xóm Minh Tân là nơi dẫn nước từ sông Lam về làm mát ngọt cánh đồng, và tạo môi trường cho rươi sinh trưởng.
![]() |
Chủ nhiệm Hợp tác xã Thống Nhất - Bùi Văn Chiến giới thiệu về cây lúa sản xuất theo mô hình hữu cơ. |
Nghề nào cũng phải công phu, tảo tần. Ngoài kinh phí cải tạo cánh đồng là mương dẫn nước, lắp cửa cống, sử dụng mùn hữu cơ bón lót dưới ruộng...Và phải học, “không thầy đố mày làm nên” như thành ngữ Việt và ứng dụng tri thức mới.
“Sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo mô hình hữu cơ”, mô hình ngày càng lan tỏa, không riêng ở Nghi Xuân, mà nhiều nơi ở Hà Tĩnh.
“Sau khi tiến hành sản xuất hoàn toàn theo mô hình hữu cơ, ai không dùng thuốc bảo vệ thực vật thì rươi xuất hiện và phát triển khá nhanh. Các loại loại sinh vật sống ở ruộng như: niềng niễng, cà cuống, cáy… được tái sinh; các loại ốc, cá, cua đồng cũng xuất hiện ngày càng nhiều”, anh Chiến - Chủ nhiệm Hợp tác xã Thống Nhất chia sẻ.
Tôi nhớ hồi bé, theo cha ra cánh đồng đầu thôn phụ giúp bừa ruộng 5%, mỗi lần đổ bừa cha lại cúi xuống nhặt cua, cá, cà cuống bỏ vào chiếc oi (giỏ) đeo bên hông. Nắng loang loáng trên niềm vui. Có cua, có tôm, tép trên cánh đồng một thời bị tuyệt diệt, tưởng thành “cổ tích”, giờ đã xuất hiện.
*
**
Năm 2022 nông dân Hà Tĩnh, trong đó có Nghi Xuân bắt đầu thực hiện chủ trương sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình hữu cơ. Sau đó tỉnh hoàn thiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2030. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 2.500 ha.
Mục tiêu của Đề án, không có gì khác là góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; hướng đến nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả cao.
- Để thực hiện được mục tiêu này, đối với nông nghiệp Hà Tĩnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị để nhân ra diện rộng; hình thành hệ thống cung ứng vật tư đầu vào và dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm phù hợp; tăng cường quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ...Bùi Văn Chiến chia sẻ. Anh tâm đắc nên không chỉ kỹ thuật, chủ trương nằm lòng.
![]() |
Nông dân Lê Anh Sơn bón phân hữu cơ trên thửa ruộng lúa – rươi. |
Anh tỉ tê rằng, để sản xuất nông nghiệp theo mô hình hữu cơ, nhiều vấn đề như quy trình sản xuất, hệ thống cung ứng vật tư đầu vào và dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ; việc thực hiện chứng nhận sản phẩm hữu cơ và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm hữu cơ… là nhiều vấn đề nông dân quan tâm.
Cũng trong năm 2024, Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm) và địa phương từng bước xây dựng được hệ thống các hộ liên kết kinh tế nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn chuỗi giá trị Quế Lâm ở Hà Tĩnh.
- Các hộ sản xuất trong hợp tác xã được tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật; tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình đã thành công; cung cấp phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi... Tập đoàn Quế Lâm bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá ổn định, cao hơn giá thị trường.
- Tập đoàn Quế Lâm liên kết bao nhiêu diện tích? Tôi hỏi Chủ nhiệm Bùi Văn Chiến.
- 12 ha anh à, bắt đầu từ năm 2025. Tất cả diện tích này dùng phân hữu cơ, giống lúa DT39 của Quế Lâm. Tất cả diện tích này thực hiện theo phương thức mạ khay, máy cấy. Người nông dân rất nhàn, Bùi Văn Chiến hồ hởi.
Khi tôi đến cánh đồng của xã viên Hợp tác xã Thống Nhất thì đã thấy tấm pano lớn: “Vùng nguyên liệu lúa hữu cơ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với Tập đoàn Quế Lâm” ngay đầu bờ. Tôi nhớ đến ông Nguyễn Hồng Lam, nhờ cơ duyên nghề nghiệp, thời ông còn làm Giám đốc Công ty Phân bón Sông Gianh, bây giờ gọi là Tổng công ty Sông Gianh. Đơn vị này thực sự là bạn của nhà nông, “thương hiệu của nhà nông”. Nhờ những đóng góp của đơn vị với nông nghiệp, nông thôn, nông dân nên nên Tổng công ty Sông Gianh đã được phong đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới.
Sau khi Quảng Bình được tái lập 5 năm, tôi đã có mặt ở “đại bản doanh” Công ty này. Ông Nguyễn Hồng Lam là người Hà Tĩnh, nhưng rể Quảng Bình. Có thời, ông làm hồ nuôi tôm sú hàng hóa ngay tại Ba Đồn. Chính ông là người “nông dân trí thức” đầu tiên ở Quảng Bình ra Cầu Diễn (Hà Nội) thuê đất để trồng sau sạch, trồng hoa lan...theo hướng hữu cơ.
Tập đoàn Quế Lâm, Hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là tên ba đơn vị trên tấm pano. Tôi gọi điện cho ông. Vẫn giọng ồm ồm, khoáng đạt, hồ hởi như cánh đồng, Nguyễn Hồng Lam báo tôi, ngày 11/3/2025 sẽ có mặt ở Hà Tĩnh. Hóa ra, ông về dự hội thảo sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Hà Tĩnh.
Nguyễn Hồng Lam giàu kỹ năng về “huấn luyện đầu bờ” cho nông dân. Cụm từ này ông đã nói với tôi cách đây 30 năm. Tập đoàn Quế Lâm của ông đã phối hợp với Hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tổ chức gần 200 lớp tập huấn cho hơn 10.000 lượt người ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước nhằm đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ thuật phát triển cho cán bộ, hội viên, nông dân….
![]() |
Phương thức canh tác mạ khay – cấy máy ở Hợp tác xã Thống Nhất. |
- Phải làm tốt công tác truyền thông anh à, Bùi Văn Chiến khẳng định. Về phía huyện Nghi Xuân, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện rất chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, xây dựng nguồn nhân lực để triển khai nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn.
Thật may, nông nghiệp hữu cơ đúng là “Ý Đảng lòng dân” gặp nhau. Lãnh đạo chủ chốt của địa phương Hà Tĩnh nói chung, Nghi Xuân nói riêng đã vào cuộc mạnh mẽ, huy động cả hệ thống chính trị cùng đồng hành, tạo nên sự lan tỏa tích cực, hiệu quả trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn.
Năm 2025, cũng là năm thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hà Tĩnh đang đẩy mạnh xây dựng thêm nhiều hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết kinh tế nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn chuỗi giá trị Quế Lâm.
Tôi biết, Hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam đã ra mắt “Công ty Đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn Quế Lâm”. Hội cũng đang tiếp tục vận động và tổ chức kết nạp hội viên mới tham gia hiệu quả vào các mô hình, các khâu trong hệ sinh thái liên kết kinh tế nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn.
Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm, ông Nguyễn Hồng Lam nói như “đinh đóng cột” là sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp hoạt động với các tổ chức, Hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của Đảng, Nhà nước. Tôi hiểu tính ông, nói ít làm nhiều, làm hiệu quả mới nói với tấm lòng chân thành.
Biết tôi là người mê mẩm với nông nghiệp sinh thái, “bợm” rươi, từ dưới ruộng, Lê Anh Sơn nói vọng lên, đủ cho tôi và Bùi Văn Chiến nghe rõ: “Hôm nào đến mùa bắt rươi, bọn em mời anh về”.
Được lời như cởi tấm lòng, tôi háo hức vô cùng. Tôi thèm miếng chả rươi trên cánh đồng ngun ngút này. Tôi nhớ bố mẹ tôi một thời lam lũ với cánh đồng. Tôi bấm đốt bàn tay.
Mùa sinh sản tập trung của rươi vào hai vụ, vụ đầu trong năm vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 và vụ thứ hai vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 dương lịch. Chẳng còn bao lâu nữa, tôi được trở lại cánh đồng này. Gió sông Lam hắt lên mát rượi.