Diện tích trồng chè hữu cơ ở Thái Nguyên đang ngày càng được mở rộng để phục vụ thị hiếu người tiêu dùng cũng như bảo vệ sức khỏe người sản xuất.
Chè hữu cơ Thái Nguyên là loại chè được canh tác theo đúng quy trình nông nghiệp hữu cơ. Quy trình này dùng nhiều phương pháp nông nghiệp để loại trừ sâu bệnh và cỏ dại mà không cần dùng hoặc hạn chế mức tối thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân bón hóa học.
Nông nghiệp hữu cơ sẽ làm cho đất màu mỡ và giàu chất đạm hơn cũng như góp phần giữ gìn các khoáng chất tự nhiên có trong đất, bảo vệ chất lượng nước cũng như môi trường tự nhiên xung quanh. Điểm đặc biệt quan trọng nhất của quy trình nông nghiệp chè hữu cơ Thái Nguyên là làm cân bằng hệ sinh thái tự nhiên vốn có. Chính vì vậy, chè Thái Nguyên sản xuất theo quy trình nông nghiệp hữu cơ đang là một trong những lựa chọn tiêu dùng thông minh vì vừa có sản phẩm an toàn mà lại có thể bảo vệ thảm thực vật của địa phương.
Tỉnh Thái Nguyên đã sớm quy hoạch vùng trồng chè và xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp để đưa cây chè thành mũi nhọn kinh tế nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập cao và bền vững cho người dân. Hiện toàn tỉnh có trên 22.300 ha trồng chè và là tỉnh có diện tích chè phát triển lớn nhất cả nước với năng suất chè búp tươi đạt gần 120 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi hơn 250.000 tấn/năm.
Trong bối cảnh xác định sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, năm 2020, tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt phương án sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, theo đó tổ chức triển khai thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2:2017 với quy mô 60 ha tại các vùng trọng điểm chè của tỉnh là thành phố Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ, huyện Phú Lương và huyện Đại Từ.
Với 22.300 ha chè hiện có, Thái Nguyên đã có khoảng 50 ha chè sản xuất hữu cơ tại thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ. Việc sản xuất chè Thái Nguyên theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20-40% so với sản xuất chè theo phương thức truyền thống.
Hộ gia đình của anh Khổng Quốc Vĩnh tổ dân phố 5, thị trấn Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ) với diện tích 2.700 m2 trồng chè hữu cơ chia sẻ: “Từ ngày trồng chè theo hướng hữu cơ, nhiều khách hàng đánh giá chất lượng chè thay đổi rõ rệt, búp chè tươi có màu xanh sáng, lá chè dày, đọt chè ngắn; trà pha có vị đậm, chát dịu, ngọt hậu. Đặc biệt, lợi nhuận thu được từ sản xuất hữu cơ cao hơn so với sản xuất thông thường gần 30%. Cụ thể, nếu trước đây, mỗi kg chè tươi, người dân chỉ bán được với giá trên dưới 30.000 đồng thì chè hữu cơ bán được 40.000-50.000 đồng/kg, thậm chí 70.000-80.000 đồng/kg với chè chất lượng tốt.”
Ông Ngô Xuân Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Hỷ cho biết: Bên cạnh việc giữ ổn định diện tích chè toàn huyện, Đồng Hỷ sẽ mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP, hữu cơ; ứng dụng quy trình kỹ thuật mới, cơ giới hóa đảm bảo an toàn thực phẩm tại 100% cơ sở chế biến chè xanh truyền thống; nâng giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng chè, đạt trên 300 triệu đồng/ha; Rà soát, sắp xếp các cơ sở chế biến và phân vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, phấn đấu đến năm 2025 có 100% cơ sở chế biến có vùng nguyên liệu hoặc ký kết hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đủ cho nhà máy hoạt động theo quy định hiện hành.
Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của các sản phẩm trà được chứng nhận sản phẩm OCOP. Để phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, huyện sẽ quan tâm phát triển cây chè và các sản phẩm trà hơn nữa, trong đó chú trọng việc mở rộng diện tích được cấp giấy chứng nhận VietGAP, hữu cơ; xây dựng HTX, tổ hợp tác và các làng nghề sản xuất, chế biến chè; nâng tầm thương hiệu chè Đồng Hỷ lên tầm cao mới. Đây là định hướng phát triển của ngành nônng nghiệp trong toàn tỉnh nói chung và ngành chè nói riêng theo tinh thần Nghị quyết số 10 ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên.
Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.000 ha, 80% diện tích chè sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đến năm 2030, diện tích chè đạt 24.000ha, 100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. 100% các sản phẩm chè do các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã với nông hộ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có thương hiệu riêng.