![]() |
Cánh đồng rau an toàn tại xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, nơi gần 50 hộ dân tham gia mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp mã số vùng trồng nội địa. |
Mã hóa vùng trồng: Tín hiệu chuyển mình tích cực của nông nghiệp Nghệ An
Tính đến đầu năm 2025, toàn tỉnh Nghệ An đã được cấp 118 mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích hơn 913 ha, bao gồm các cây trồng chủ lực như lúa, cam, chè, mía, dưa lưới, nho, dứa, thanh long… Đây là kết quả từ sự phối hợp tích cực giữa ngành chức năng và chính quyền cơ sở trong việc tổ chức sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, giám sát quy trình và đánh giá chất lượng vùng trồng theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Mỗi mã số vùng trồng được xem như một “tấm thẻ căn cước” của sản phẩm nông nghiệp – cung cấp thông tin đầy đủ về điều kiện canh tác, quy trình kỹ thuật, giống cây, phân bón, thuốc BVTV và thời điểm thu hoạch. Hệ thống này cho phép truy xuất nguồn gốc chính xác, giảm rủi ro trong khâu kiểm tra chất lượng, đồng thời là cơ sở quan trọng để sản phẩm tiến vào các chuỗi phân phối hiện đại, đặc biệt là siêu thị, sàn thương mại điện tử và các thị trường tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…
Việc cấp mã số vùng trồng không chỉ phục vụ truy xuất, mà còn góp phần quy hoạch lại sản xuất. Khi mỗi thửa ruộng được số hóa, các cấp quản lý có thể theo dõi chính xác tình hình dịch bệnh, tồn dư hóa chất và kết nối thị trường phù hợp. Đây là bước đi quan trọng hướng tới nền nông nghiệp minh bạch, có kiểm soát và có giá trị gia tăng cao.
![]() |
191 ha lúa ở huyện Yên Thành đã được cấp 21 mã số vùng trồng, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu sạch, phục vụ tiêu thụ nội địa và liên kết chuỗi. |
Từ thực tế Quỳnh Lưu đến Yên Thành: Khi người dân thay đổi tư duy sản xuất
Tại xã Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu), gần 50 hộ dân tham gia sản xuất rau, củ, quả VietGAP đã được cấp mã số vùng trồng, trên diện tích hơn 25 ha. Thay vì sản xuất manh mún như trước, các hộ đã hợp tác trong ghi chép nhật ký nông vụ, sử dụng thuốc BVTV đúng liều lượng, phân bón hợp lý và tuân thủ quy trình kỹ thuật từ gieo trồng đến sơ chế sau thu hoạch. HTX chủ lực tại đây đóng vai trò kết nối doanh nghiệp thu mua, hỗ trợ bao tiêu và kiểm soát chất lượng vùng trồng. Nhờ đó, giá bán nông sản tăng từ 20–30% so với trước đây, sản phẩm vào được các siêu thị trong tỉnh và thành phố Vinh.
Tại huyện Yên Thành – vựa lúa lớn nhất tỉnh, đã có 29 mã số vùng trồng được cấp, trong đó có 21 mã cho cây lúa với tổng diện tích hơn 191 ha. Ngoài ra, vùng trồng dưa lưới trong nhà màng ở xã Nam Thành, vùng trồng cam ở Hồng Thành và mô hình dứa tại Tăng Thành đều đã bắt đầu ứng dụng mã số vùng để phục vụ truy xuất và phân phối chuyên biệt theo từng thị trường.
Một trong những chuyển biến rõ nét là sự thay đổi tư duy từ người sản xuất. “Ngày trước mình trồng kiểu cũ, ai mua thì bán. Nay có mã số vùng, mình phải làm đúng chuẩn mới được cấp. Cũng cực hơn, nhưng yên tâm hơn vì có đầu ra rõ ràng”,– một nông hộ tại Nam Thành chia sẻ.
Thực tế cho thấy, khi được hướng dẫn bài bản và chứng kiến lợi ích thực tế, người dân sẵn sàng thay đổi. Sự tham gia tích cực của các HTX, tổ nhóm nông dân và chính quyền địa phương đóng vai trò then chốt trong việc duy trì vùng trồng đạt chuẩn.
![]() |
Mô hình dưa lưới trong nhà màng – một trong những vùng trồng được cấp mã số để phục vụ truy xuất nguồn gốc và phân phối vào thị trường hiện đại. |
Những rào cản và điều kiện để phát triển bền vững
Dù đạt được những kết quả khả quan, việc mở rộng mã số vùng trồng tại Nghệ An vẫn gặp nhiều rào cản. Trước hết là thói quen canh tác truyền thống, chưa quen với việc ghi nhật ký điện tử hoặc báo cáo theo mẫu biểu quy định. Một số hộ dân chỉ làm tốt khi có dự án, sau đó thiếu sự giám sát, dẫn đến việc duy trì vùng trồng đạt chuẩn còn bị đứt gãy.
Tiếp theo là năng lực của HTX – đơn vị được giao quản lý vùng trồng. Nhiều nơi HTX chưa đủ khả năng tổ chức sản xuất, thiếu đội ngũ kỹ thuật, chưa xây dựng được hệ thống kiểm soát nội bộ. Do đó, dù có mã vùng nhưng sản phẩm không đạt chất lượng đồng đều, khó tiếp cận doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, chi phí duy trì vùng trồng đạt chuẩn cũng là gánh nặng nếu không có liên kết bao tiêu ổn định.
Một thách thức nữa là khâu giám sát sau cấp mã. Theo Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An, hiện đã có một số mã bị thu hồi do vi phạm quy trình hoặc bỏ không canh tác. Điều này đặt ra yêu cầu cần có hệ thống kiểm tra định kỳ, nhắc nhở, hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên để các vùng trồng không chỉ “đạt chuẩn trên giấy” mà còn sống động trong thực tế.
Để khắc phục những rào cản này, cần đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết. Việc đưa vào ứng dụng phần mềm quản lý mã vùng, sử dụng QR code cho truy xuất và kết nối doanh nghiệp ngay từ đầu cũng là những hướng đi tiềm năng.
Mã số vùng trồng – bước đi nhỏ, ý nghĩa lớn.Việc cấp mã số vùng trồng không đơn thuần là yêu cầu kỹ thuật, mà là bước chuyển hóa tư duy sản xuất – từ nhỏ lẻ sang chuyên nghiệp, từ kinh nghiệm sang chuẩn hóa, từ sản xuất sang tư duy thị trường. Nghệ An với hơn 900 ha vùng trồng đã được mã hóa đang chứng minh tiềm năng to lớn nếu có sự đồng hành đồng bộ giữa người dân, HTX và cơ quan chuyên môn. |