![]() |
Người dân xã Tam Quang tập trung đông đảo tham gia lớp tập huấn về sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác thải và phụ phẩm nông nghiệp. |
Vừa qua, tại Hợp tác xã (HTX) Hoàng Hải Tam Quang, UBND xã Tam Quang phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định tổ chức lớp tập huấn mô hình thu gom, tái chế xử lý chất thải của sản phẩm nấm bào ngư, rác thải sinh hoạt hữu cơ, chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp. Buổi tập huấn thu hút hơn 100 hộ dân tham gia, đánh dấu một bước khởi đầu cho quá trình chuyển đổi nhận thức về quản lý chất thải trong sản xuất nông nghiệp.
Thạc sĩ Lê Hồng Linh, đại diện Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, đã trực tiếp chia sẻ về cách phân loại chất thải tại hộ gia đình và hướng dẫn quy trình ủ compost – một phương pháp xử lý chất thải hữu cơ phổ biến, dễ thực hiện nhưng đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường cao.
Ông Linh cho biết: “Việc ủ phân bằng công nghệ compost không chỉ giúp ổn định các chất hữu cơ, giảm thiểu mầm bệnh trong chất thải, mà còn tái sử dụng nguồn dinh dưỡng hữu ích từ phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi để phục vụ sản xuất”.
![]() |
Thạc sĩ Lê Hồng Linh, đại diện Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, trực tiếp hướng dẫn quy trình xử lý rác thải và sản xuất phân hữu cơ vi sinh. |
Sau phần lý thuyết, bà con đã được tham quan mô hình xử lý thực tế tại HTX Hoàng Hải Tam Quang – đơn vị tiên phong trong thu gom và chế biến chất thải nông nghiệp thành phân bón hữu cơ vi sinh ngay tại địa phương.
Được biết, từ ngày 02/4/2025, mô hình “Ứng dụng công nghệ sinh học thu gom, tái chế xử lý chất thải của sản phẩm nấm bào ngư, rác thải sinh hoạt hữu cơ, chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp sản xuất phân hữu cơ vi sinh” được triển khai tại xưởng sản xuất phân hữu cơ của HTX Hoàng Hải Tam Quang. Dự án là một phần trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021–2025, thể hiện quyết tâm chuyển đổi tư duy sản xuất sang hướng bền vững và thân thiện với môi trường.
Theo đánh giá bước đầu, việc áp dụng chế phẩm sinh học để xử lý bã thải nấm và chất thải chăn nuôi cho kết quả khả quan. Chất thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn để làm phân bón hữu cơ vi sinh, không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp tiết kiệm chi phí đầu vào trong canh tác nông nghiệp.
Chỉ với quy mô xử lý 200 tấn bã thải và chất thải chăn nuôi, mô hình đã tạo ra lượng phân hữu cơ vi sinh mang lại nguồn thu gần 200 triệu đồng. Đặc biệt, giá thành sản xuất chỉ khoảng 1.100 đồng/kg – một con số rất cạnh tranh so với các loại phân bón hóa học trên thị trường.
![]() |
Người dân xã Tam Quang tiến hành sàng lọc và đóng gói phân bón hữu cơ vi sinh sau quá trình xử lý rác thải sinh hoạt. |
![]() |
Đóng bao thành phẩm phân bón hữu cơ vi sinh sau quá trình xử lý rác thải sinh hoạt. |
Không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, mô hình còn tạo ra nhiều giá trị xã hội. Người dân bắt đầu thay đổi thói quen, nâng cao ý thức trong việc phân loại rác tại nguồn và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mô hình không những góp phần bảo vệ môi trường mà còn hỗ trợ xây dựng nền nông nghiệp xanh – nơi người nông dân vừa là nhà sản xuất, vừa là người bảo vệ hệ sinh thái.
Giám đốc HTX Hoàng Hải Tam Quang Nguyễn Thanh Vũ cho biết: “Phân hữu cơ vi sinh, hay nói rộng hơn là phần hữu cơ nói chung, được sản xuất từ các nguyên liệu như bã thải nấm bào ngư, chất thải hữu cơ từ nông nghiệp, ngư nghiệp... Đặc biệt tại Tam Quang là bã thải từ ngành ngư nghiệp với khối lượng rất lớn. Trang trại của chúng tôi mỗi tháng thải ra khoảng 60 tấn chất thải. Việc tận dụng các loại phế phẩm này để sản xuất phân hữu cơ vi sinh đã mang lại giá trị kinh tế lớn”.
Có thể nói, những phế phẩm tưởng chừng như bỏ đi - "mua của người chán, bán cho người cần" - khi được đưa vào quy trình chế biến, đã trở thành nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Mô hình này có nhiều lợi ích: thứ nhất, tăng doanh thu tại cùng một thời điểm; thứ hai, tạo thêm việc làm; và quan trọng là tận dụng triệt để tất cả sản phẩm phụ của trang trại.
Từ phân hữu cơ vi sinh, chúng tôi có thể cung cấp cho người dân một phần sử dụng, một phần khác dùng để phối trộn lại, tạo ra những phôi nấm mới có giá trị dinh dưỡng cao hơn, năng suất cao hơn. Bên cạnh đó, mô hình này còn giúp giải quyết vấn đề môi trường - không còn xả thải bã ra ngoài, thay vào đó là tái chế và tái sử dụng. Bao bì sau sử dụng cũng được các đơn vị chuyên thu mua để tái chế và đưa trở lại thị trường, ông Vũ khẳng định.
Như vậy, toàn bộ quy trình sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Quang là quy trình tuần hoàn, không thải bỏ bất kỳ thứ gì ra môi trường. Từ quá trình trồng nấm, phân loại, xử lý cho đến tái sử dụng rác thải từ người dân và địa phương, đều tạo ra những sản phẩm giá trị cao hơn, góp phần cải thiện môi trường sống.
Theo UBND xã Tam Quang, mục tiêu lâu dài là hoàn thiện dây chuyền sản xuất phân hữu cơ vi sinh, nâng cao chất lượng sản phẩm và thương mại hóa ra thị trường. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, đặc biệt là huyện Núi Thành và Văn phòng điều phối nông thôn mới trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý, đăng ký nhãn hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đồng thời chính quyền địa phương cũng kêu gọi người dân tích cực hưởng ứng mô hình, thay đổi tư duy sản xuất và xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ tập trung. Nếu thực hiện thành công, mô hình tại Tam Quang hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu để nhân rộng tại các địa phương khác trong tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung.
Từ một địa phương nông nghiệp thuần túy, xã Tam Quang đang dần chuyển mình nhờ cách tiếp cận hiện đại trong quản lý chất thải và ứng dụng công nghệ sinh học. Sự thành công của mô hình không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn là minh chứng cho tinh thần đổi mới sáng tạo từ chính người dân./.