Hiện nay, mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học được nhiều trang trại chăn nuôi gà áp dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sau khi gà được xuất bán, đệm lót sinh học được ủ thành phân hữu cơ. Đến thăm trang trại chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học của anh Mạc Văn Tiến (SN: 1992, Khu Păng, thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được anh triển khai từ đầu năm 2024 đã cho thấy hiệu quả rõ ràng trong việc giảm phát tán mùi hôi.
Được Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa tập huấn tập huấn về kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, ủ phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp. Nhận thấy những lợi ích của việc chăn nuôi gà trên đệm lót hữu cơ, anh đã mạnh dạn áp dụng vào trang trại của gia đình với diện tích chăn nuôi rộng hơn 3.000m2 .
Ngay sau khi áp dụng phương pháp chăn nuôi này cho lứa gà đầu tiên đã mang lại hiệu quả, gà phát triển tốt, ít mắc bệnh. Hiện trang trại của anh Tiến đang nuôi 3.000 con gà ri Hòa Bình, gà mía Bắc Ninh nhưng không phát thải mùi trong chăn nuôi đến các hộ dân xung quanh.
![]() |
Trang trại chăn nuôi gà của anh Mạc Văn Tiến áp dụng phương pháp chăn nuôi đệm lót sinh học giúp giảm phát tán mùi trong chăn nuôi. |
Anh Tiến chia sẻ quy trình chăn nuôi trên đệm lót sinh học: Trước khi bắt đầu thả giống, toàn bộ khu vực chuồng sẽ được rải trấu và rắc men sinh học lên. Cứ một tuần trấu và men sinh học sẽ được trộn lẫn rồi rải vào chuồng nuôi. Từ đó sẽ giúp mùi chăn nuôi không phát tán ra bên ngoài. Khi xuất bán gà, lớp đệm lót sinh học sẽ trở thành phân bón hữu cơ, đóng bì và bán cho các thương lái.
Ngoài mô hình chăn nuôi của anh Tiến, mô hình chăn nuôi của gia đình bà Trịnh Thị Bính (SN: 1959) thôn Là Thôn, xã Định Long, huyện Yên Định, cũng được bà Bình áp dụng phương pháp lót đệm sinh học dày, sản xuất phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp và nuôi sâu canxi.
Chuồng chăn nuôi của gia đình bà Bính hiện đang có 2.000 con gà. Khi gà đạt trọng lượng từ 1,5 - 1,7 kg, gia đình bà Bính xuất bán cho bà con chăn nuôi lại với giá dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Mỗi năm gia đình bà Bính nuôi được khoảng 8 lứa gà, trừ chi phí gia đình bà thu từ 120 - 150 triệu đồng/năm. Việc áp dụng nuôi gà trên đệm lót sinh học giúp mùi hôi trong chăn nuôi được khắc phục, những hộ dân sống xung quanh cũng không có ý kiến lên chính quyền sở tại.
![]() |
Kể từ khi áp dụng phương pháp chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học, trang trại chăn nuôi của bà Bính không còn mùi hôi xộc đến khu dân cư. |
Phân gà được bà Bính ủ với men vi sinh, làm phân bón cho đồng ruộng tạo lợi ích kép trong chăn nuôi và trồng trọt. Ngoài ra rơm rạ được tận dụng làm đệm lót sinh học trong nuôi gà, giúp nông dân bỏ thói quen đốt đồng gây ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh đã xây dựng được 110 mô hình nuôi gà trên nền đệm lót sinh học dày; 165 mô hình “Lên men thức ăn chăn nuôi”; 165 mô hình cho kỹ thuật “Xử lý rơm rạ ngoài ruộng”; 110 mô hình kỹ thuật “Nuôi trùn quế” và “Nuôi sâu canxi”.
Hiện nay đã có hàng nghìn hộ ở các địa phương như: Triệu Sơn, Thường Xuân, Như Thanh, Thạch Thành, Nga Sơn, Hà Trung, Nông Cống, Hậu Lộc, Thọ Xuân... ứng dụng các kỹ thuật, coi rác thải là nguồn tài nguyên và biến chất thải thành của cải, phục vụ sản xuất và đời sống. Rác thải đã trở thành phân bón trong trồng trọt, thành thức ăn trong chăn nuôi, tạo thành chu trình tuần hoàn, đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí trong sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, việc xử lý mùi trong hoạt động chăn nuôi vẫn luôn là vấn đề nan giải của nhiều chủ hộ, chủ trang trại. Việc áp dụng kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học, ủ phân hữu cơ chính là “cứu cánh” của các hộ nuôi. Chất thải trong chăn nuôi đã được tái tạo, quay trở lại phục vụ trồng trọt.