![]() |
Nuôi hàu sữa hiện đang là mũi nhọn chủ lực phát triển kinh tế biển của huyện Vân Đồn. |
Quảng Ninh đã ghi nhận 4.350 loài thuộc hệ động thực vật, trong đó có tới 154 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (3,54%), 56 loài trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP và 72 loài trong Sách đỏ IUCN. Kết quả tổng hợp số liệu về đa dạng sinh học cho thấy, tỉnh có trên 249 nguồn gen nguy cấp, quý hiếm có giá trị cần được bảo tồn. Sự đa dạng này là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp địa phương.
Để hiện thực hóa mục tiêu bảo tồn và phát triển nguồn gen, tỉnh đã chủ động ban hành nhiều văn bản quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động liên quan. Điển hình là Quyết định 2415/QĐ-UBND (12/9/2013) phê duyệt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn gen cấp tỉnh, giai đoạn 2015-2020; Quyết định 4618/QĐ-UBND (15/12/2020) phê duyệt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn gen cấp tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Mới đây, Nghị quyết số 13-NQ/TU (28/4/2023) của BCH Đảng bộ tỉnh và Chương trình hành động số 2163/CTr-UBND (9/8/2023) của UBND tỉnh đã thể hiện rõ nhiệm vụ “xây dựng Khu trình diễn, giới thiệu, chuyển giao mô hình thực nghiệm ứng dụng tiến bộ KHCN, lưu trữ nguồn gen Tiên Yên” và “Ban hành chính sách duy trì, lưu giữ nguồn gen trên địa bàn tỉnh”.
Trong giai đoạn 2015-2020, Quảng Ninh đã phê duyệt 8 nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh cho các đối tượng đặc hữu, có giá trị kinh tế cao với tổng kinh phí 13,316 tỷ đồng. Các nhiệm vụ tập trung vào đánh giá hiện trạng, xác định giá trị, tư liệu hóa nguồn gen và xây dựng các biện pháp kỹ thuật, mô hình phục vụ lưu giữ. Đáng chú ý, tỉnh đã thực hiện bảo tồn nguyên vị 3 nguồn gen (Ngán, Sá sùng và Tu hài), những loài đặc hữu có giá trị kinh tế cao và đang suy giảm nguồn lợi.
Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh tiếp tục tập trung vào 19 nhiệm vụ bảo tồn các nguồn gen quý, hiếm, có giá trị, bao gồm 7 nguồn gen lâm nghiệp, 7 nguồn gen dược liệu, 2 nguồn gen thủy sản và 3 nguồn gen vật nuôi quan trọng cho nông nghiệp là gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, lợn Hương. Hiện nay, 12 nhiệm vụ đang được triển khai, tập trung vào điều tra, đánh giá, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ lưu giữ và bảo tồn các nguồn gen cụ thể như: Nấm chẹo, lợn Móng Cái, cây Gù hương, cây Re hương, cây Thông tre lá ngắn, cây Đẳng sâm, cây Tùng La Hán, và Rươi nước lợ Đông Triều.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng chú trọng triển khai các nhiệm vụ bảo tồn gen cấp Nhà nước, với 3 nhiệm vụ được Bộ KH&CN phê duyệt trong giai đoạn 2015-2023. Cụ thể, nghiên cứu và phát triển nguồn gen cây Thanh mai, phục tráng giống cam Thanh Lân và bảo tồn một số loài địa lan bản địa.
![]() |
Người nông dân có thu nhập cao, ổn định nhờ trồng cam Vạn Yên. |
Đặc biệt, Quảng Ninh hiện có trên 40 nguồn gen đang được khai thác và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong lĩnh vực nông nghiệp, có thể kể đến các nguồn gen lâm nghiệp như Sở Bình Liêu, Quế Quảng Ninh, Thông nhựa; các nguồn gen dược liệu như Trà hoa vàng, Ba kích tím, Đẳng sâm; các nguồn gen vật nuôi như gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, lợn Hương, gà bản Đầm Hà. Trong lĩnh vực cây nông nghiệp, các giống lúa như lúa chiêm đá Quảng Ninh, lúa Bao thai lùn, lúa Nếp cái hoa vàng, cùng các loại cây ăn quả như Na dai, Thanh long, Vải u sần, Cam Vạn Yên, Lạc Đầm Hà, Củ cải Đầm Hà... đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành.
Nhờ các nỗ lực bảo tồn và phát triển, nhiều nguồn gen quý đã được khai thác hiệu quả, góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và nâng cao thu nhập cho người dân. Điển hình, nguồn gen lúa Nếp cái hoa vàng Đông Triều đã phát triển vùng trồng tập trung 2.000ha, lúa bao thai lùn phát triển 17.000ha tại các huyện miền Đông, gà Tiên Yên đạt quy mô nuôi 1,1 triệu con/năm với doanh thu 340 tỷ đồng/năm, thông nhựa Quảng Ninh phát triển trên 40.000ha với doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, vải chín sớm Phương Nam - Uông Bí đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng…
Nhận thấy nguồn gen là tài sản quốc gia quan trọng, Quảng Ninh đã đề nghị Bộ KH&CN quan tâm báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2030 và đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ việc lưu trữ, khai thác và phát triển các nguồn gen có giá trị, phục vụ phát triển KT-XH và bảo đảm an ninh quốc phòng. Tỉnh cũng đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ triển khai xây dựng Khu trình diễn, giới thiệu, chuyển giao mô hình thực nghiệm ứng dụng tiến bộ KHCN, lưu trữ nguồn gen của tỉnh.