![]() |
Hiện nay, ngày càng có nhiều địa phương trên cả nước phát triển phong trào sản xuất và sử dụng phân hữu cơ - Ảnh minh họa. |
Việt Nam có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân bón hữu cơ, với khoảng 156 triệu tấn phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản mỗi năm. Đây là nguồn tài nguyên quý giá nếu được tận dụng hiệu quả. Nhiều nông hộ và hợp tác xã đã nhận thấy được lợi ích này và bắt đầu tự ủ phân hữu cơ từ các phế phẩm sẵn có. Việc tự ủ phân không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mua phân bón mà còn giảm thiểu chi phí xử lý phế phẩm. Hơn nữa, nó còn giúp tăng năng suất, chất lượng và giá trị cho nông sản.
Theo thống kê, việc sử dụng phân bón hữu cơ mang lại rất nhiều lợi ích. Ngoài việc cung cấp dinh dưỡng ổn định cho cây trồng, phân hữu cơ còn cải thiện tính chất vật lý, hóa học và sinh học của đất, hạn chế rửa trôi, tăng độ thấm và khả năng giữ nước của đất, tăng khả năng chịu hạn của cây trồng, đồng thời tiết kiệm chi phí đầu vào.
Hiện nay, ngày càng có nhiều địa phương trên cả nước phát triển phong trào sản xuất và sử dụng phân hữu cơ, đặc biệt là ở các vùng phát triển nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch. Nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo trong việc hướng dẫn tự sản xuất phân hữu cơ.
Để giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi và có nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất, nhiều địa phương đã tổ chức triển khai các mô hình hỗ trợ người dân tự ủ phân hữu cơ vi sinh, như mô hình sử dụng hệ thống thông khí để sản xuất phân hữu cơ quy mô nông hộ, mô hình ứng dụng nguyên tắc sản xuất nông nghiệp tuần hoàn vào xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản,…
Tuy nhiên, việc sản xuất phân bón hữu cơ tại nhiều nông hộ hiện nay vẫn còn mang tính tự phát, chưa bài bản. Do đó, cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, các chuyên gia trong ngành.
Cần xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ truyền thống ở quy mô nông hộ một cách bài bản. Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ nông hộ với chi phí thấp, hàm lượng chất hữu cơ cao, giảm phát thải khí nhà kính cho nông nghiệp.
Đồng thời, cần có chiến dịch tuyên truyền, tập huấn dài hạn về sử dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ truyền thống với các mô hình trực quan, sinh động, dễ tiếp thu và thực hiện.