Quy trình sản xuất than sinh học từ phế phẩm nông nghiệp đã được nghiên cứu thành công - Ảnh minh họa. |
Các nhà khoa học Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất than sinh học từ phế phẩm nông nghiệp, mở ra hướng đi mới cho việc xử lý môi trường và phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Than sinh học, một loại vật liệu giàu carbon được tạo ra từ quá trình nhiệt phân yếm khí sinh khối, đang được coi là "vàng đen" trong nông nghiệp hiện đại. Với khả năng ứng dụng đa dạng, từ cải tạo đất, xử lý môi trường nước đến sản xuất phân bón và chất xúc tác, than sinh học hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường.
Nghiên cứu của Khoa Công nghệ Hóa học, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM tập trung vào việc tận dụng các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, vỏ trấu, vỏ cà phê, xương cá, vỏ hàu… để sản xuất than sinh học. TS Võ Thành Công, chủ nhiệm đề tài, cho biết: "Hàng năm, lượng phế phẩm nông nghiệp phát sinh rất lớn. Sử dụng hiệu quả nguồn phế phẩm này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nông nghiệp bền vững và nâng cao hiệu quả kinh tế".
Than sinh học có khả năng cô lập CO2, giữ nước và dưỡng chất, bảo vệ vi khuẩn có lợi trong đất, giúp cải thiện độ phì nhiêu và năng suất cây trồng. Than sinh học từ xương cá, vỏ hàu có khả năng hấp phụ kim loại nặng và chất hữu cơ, góp phần làm sạch nguồn nước. Khi phân hủy, than sinh học tạo ra phân bón hữu cơ, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Than sinh học từ vỏ cam có thể được sử dụng làm chất xúc tác cho phản ứng tổng hợp diesel sinh học. Than sinh học có tác dụng khử mùi, khử trùng, có thể dùng trong chăn nuôi.
TS Công nhấn mạnh: "Việc ứng dụng công nghệ sản xuất than sinh học không chỉ giúp 'đổi đời' cho phế phẩm nông nghiệp mà còn là lựa chọn để bắt nhịp với xu hướng nông nghiệp xanh và sạch trên toàn cầu". Than sinh học góp phần hình thành vòng tuần hoàn khép kín trong nông nghiệp, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu và ứng dụng của than sinh học, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. Với việc làm chủ công nghệ sản xuất, nhóm nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, góp phần nhân rộng mô hình và thúc đẩy ứng dụng than sinh học trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.