Bà con kiểm tra bể ủ phân hữu cơ.
Ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã thương mại và dịch vụ Nam Yang cho hay, hiện nhu cầu về phân bón của đơn vị mỗi năm khoảng 60 tấn để phục vụ bón cho trên 80 ha hồ tiêu, 130 ha cà phê giai đoạn kinh doanh. Giá phân bón hiện nay ngày càng tăng cao, với giá hiện tại khoảng 2 triệu đồng/1 tấn, thì chi phí của hợp tác xã lên tới trên 1 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cách đây 2 năm. Việc này ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư của các xã viên trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Công, trăn trở với việc kinh phí đầu tư lớn mà giá bán nông sản lại vẫn như cũ, đầu ra bấp bênh, từ đầu năm 2022, đơn vị đã liên hệ với chuyên gia nông nghiệp từ Thành phố Hồ Chí Minh về hợp tác xã để hỗ trợ đơn vị ủ phân hữu cơ. Nguồn phân hữu cơ sẽ tận dụng nguồn phân chuồng, vỏ cà phê, tro trấu và các phụ phẩm được thải ra từ nhà máy chế biến tiêu sọ và cà phê nhân của hợp tác xã. Khi phân bón đạt chất lượng ổn định, hợp tác xã sẽ triển khai để các xã viên tự làm. Điều này cũng phần nào giúp hợp tác xã sớm thực hiện mục tiêu canh tác theo hướng hữu cơ, sinh thái, thân thiện với môi trường.
“Trước đây, chúng tôi đã từng ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng nhưng làm ở quy mô nông hộ và đã cho kết quả khả quan. Xét thấy nhu cầu sử dụng phân hữu cơ ngày càng cao và phế phẩm nông nghiệp đang bị bỏ phí nên năm nay hợp tác xã đã thực hiện ủ phân ở quy mô lớn, đưa vào sản xuất theo quy trình chuẩn hơn,sau đó rút kinh nghiệm và triển khai rộng rãi cho bà con. Xét về tính lâu bền, lượng phân hữu cơ này sẽ bồi bổ cho cây trồng lượng đạm hữu cơ, xác bã thực vật, tạo độ mùn cho đất. Đặc biệt, tạo môi trường nuôi lại hệ thống vi sinh cho nền đất, nuôi lại hệ thống vi sinh kháng sâu bệnh tự nhiên, không phải phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật nữa", ông Công khẳng định.
Theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, cách thức ủ phân hữu cơ rất đơn giản. Điểm ủ phân có thể là nhà kho, chuồng trại nhưng tốt hơn hết là xây bể ủ. Trước tiên, dùng các loại bã thực vật trộn đều với chế phẩm Trichoderma, sau đó cho một lớp phân chuồng có độ ẩm 40-50%, rồi rải thêm một lớp chế phẩm vi sinh, một lớp super lân và cứ tiếp tục như thế cho đến khi lượng phân đạt 1-1,5 m3. Với khoảng 1 tấn phân chuồng, phụ phẩm nông nghiệp, kết hợp khoảng 1-2 kg chế phẩm vi sinh là phù hợp. Dùng bạt phủ kín để che mưa, nắng. Khi nhiệt độ trong phân tăng cao sẽ ức chế sự nảy mầm của hạt cỏ cũng như diệt các loại mầm bệnh trong phân chuồng có thể gây bệnh cho người và gia súc. Vào mùa đông, sau khi ủ 1,5-2 tháng, phân có thể sử dụng được; còn mùa hè, thời tiết nắng nóng, quá trình phân hủy diễn ra nhanh hơn nên chỉ cần 30-40 ngày là có thể sử dụng phân để bón cho cây trồng.
Không chỉ các hợp tác xã nông nghiệp, hiện nay ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai, việc làm phân hữu cơ để giảm chi phí sản xuất cũng đã dần lan toả tới các nông hộ. Chị Hoàng Thị Trúc (43 tuổi, ở thôn Brếp, xã Đăk Jrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai) cho biết, trước đây, lượng phân của 50 con bò thải ra mỗi tháng, gia đình chị thường chỉ để bán. Nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, học theo bà con trong thôn, chị xây hầm, dùng lượng phân này ủ cùng vỏ cà phê, trấu để lên men cùng chế phẩm Trichoderma. Sau 2 tháng lên men, hầu hết các phụ phẩm nông nghiệp đều hoai mục là lúc chị mang bón lại vào vườn cà phê.
Theo chị Trúc, với giá phân hoá học hiện nay, để bón đủ 3 đợt phân cho cây cà phê như trước đây, chị phải mất tổng số tiền khoảng 70 triệu đồng. Nhưng nhờ tự ủ được phân chuồng, cắt giảm chỉ bón 1/3 lượng phân hoá học, chị tiết kiệm được chi phí gần 50 triệu đồng, đồng thời năng suất cà phê không giảm, đất đai lại dần được cải thiện. Do vậy những hộ dân xung quang rẫy chị đều đang thực hiện ủ phân hữu cơ để bón cho cà phê nhằm cắt giảm chi phí, bảo vệ lâu dài sức khỏe cây trồng.
Hoặc như xã Đăk Jrăng, huyện Mang Yang (Gia Lai) là xã thuần nông với tổng diện tích đất nông nghiệp khoảnggần 20.000 ha và tổng đàn gia súc lên tới trên 2.000 con. Từ năm 2016, địa phương đã triển khai chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Theo đó, việc giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học là nội dung quan trong trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Nhiều năm nay, chính quyền xã Đăk Jrăng đã phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Mang Yang mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn, khuyến khích bà con nông hộ tự làm phân hữu cơ từ các nguyên liệu sẵn có trong chăn nuôi và trồng trọt như phân trâu, bò, ngựa, heo kết hợp với vỏ cà phê, tro trấu, hoặc những thực vật có sẵn ở Tây Nguyên như cây dã quỳ trộn cùng men vi sinh. Sau quá trình ủ men, các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp này sẽ bị phân huỷ trở thành chất có lợi cho cây trồng, đồng thời sâu bệnh hại cũng bị tiêu diệt. Thực tế tại địa phương cho thấy chi phí để làm 1 tấn phân hữu cơ chưa tới 2 triệu đồng, rẻ chỉ bằng 1/10 so với mua 1 tấn phân hoá học với giá như hiện nay.
Ông Nguyễn Mạnh Điệp, Chủ tịch UBND xã Đăk Jrăng, huyện Mang Yang (Gia Lai) cho biết, với lợi thế là hầu hết gia đình nào cũng nuôi gia súc nên các nông hộ, đặc biệt người dân tộc thiểu số đã biết tận dụng phân bò, vỏ cà phê, trấu, có người đi phát thêm cỏ bỏ vào để làm phân hữu cơ thay thế dần phân hoá học. Hiện có 8 thôn làng trên địa bàn xã đã áp dụng mô hình này, tự sản xuất chăm bón cây trồng trong vườn nhà. Qua kiểm tra, đại đa số cây trồng phát triển xanh tốt, nhân dân đồng lòng ủng hộ mô hình ủ phân hữu cơ vì nó thực sự có lợi cho chi phí đầu tư của người dân, đảm bảo sức khỏe nông dân cũng như môi trường sống của cây trồng và xã hội.