Thực phẩm hữu cơ đang ngày càng được sử dụng rộng rãi - Ảnh minh họa. |
Sản xuất và tiêu dùng thực phẩm hữu cơ ngày càng được quan tâm không chỉ ở các quốc gia phát triển mà còn ở các nước đang phát triển như Việt Nam, khi mà những vấn đề về thực phẩm bẩn và tổn dư kháng sinh cao dẫn đến các vấn đề về ngộ độc thực phẩm.
Tại Việt Nam, xu hướng này cũng đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở giới trẻ với sự gia tăng của những người lựa chọn chế độ ăn thuần chay. Trong khi đó, thế hệ đi trước cũng đang quan tâm đến phương pháp kéo dài tuổi thọ lành mạnh thông qua chế độ ăn nhiều thực vật, bổ dưỡng và cân bằng.
Người tiêu dùng hiện nay chú trọng hơn đến thành phần nguyên liệu trong thực phẩm và đồ uống, ưu tiên tránh các sản phẩm chứa quá nhiều hợp chất tổng hợp không có lợi cho sức khỏe. Xu hướng này đang thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thị trường sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng an toàn và bền vững.
Hiện nay, thực phẩm hữu cơ đang ngày càng được sử dụng rộng rãi. Các loại thực phẩm hữu cơ là những mặt hàng thực phẩm được trồng và canh tác mà không sử dụng bất cứ hoá chất tổng hợp, thuốc trừ sâu độc hại, phân bón gốc dầu mỏ hay sinh vật biến đổi gien. Không chỉ nông nghiệp và chăn nuôi cũng có thể thực hiện theo cách hữu cơ. Chính vì vậy mà sử dụng những thực phẩm hữu cơ thực sự rất tốt cho sức khoẻ và môi trường.
Tính đến cuối năm 2023, cả nước hiện có 495.000ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chiếm 4,3% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Mặc dù diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam nhỏ nhưng vẫn có rất nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, giúp nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Việt.
Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng hoa quả và rau hữu cơ chứa chất chống oxy hoá nhiều hơn 40% so với các sản phẩm không hữu cơ. Do vậy, thực phẩm hữu cơ rất có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ bệnh tim, ung thư, đường huyết cao.
Ngoài việc chứa ít vi khuẩn kháng kháng sinh hơn, thì thực phẩm hữu cơ cũng có mức độ an toàn và nguy cơ tương tự như những loại thực phẩm thường đối với những bệnh do vi khuẩn gây ra với thực phẩm.
Bên cạnh đó, các phương pháp canh tác hữu cơ có thể làm giảm ô nhiễm, tiết kiệm nước, giảm xói mòn đất, tăng độ phì nhiêu của đất và sử dụng ít năng lượng hơn. Việc canh tác không dùng thuốc trừ sâu tổng hợp cũng tốt hơn cho các loài chim và động vật gần đó cũng như những người sống gần nơi canh tác.
Sử dụng thực phẩm hữu cơ rất tốt cho sức khoẻ và môi trường - Ảnh minh họa. |
Trên cơ sở loại sản phẩm, thị trường được phân khúc thành 2 dòng chính là: Thực phẩm hữu cơ và đồ uống hữu cơ. Thực phẩm hữu cơ lại được chia thành các loại như: Trái cây và rau hữu cơ, thịt, cá và gia cầm hữu cơ, các sản phẩm từ sữa hữu cơ, thực phẩm đông lạnh và chế biến hữu cơ,…
Thực phẩm hữu cơ có giá thành cao hơn hẳn so với thực phẩm thông thường, một số sản phẩm thậm chí còn có giá thành cao gấp đôi so với thực phẩm thông thường. Nguyên nhân là do nhu cầu thực phẩm hữu cơ đang ngày một tăng cao, trong khi có rất ít trang trại hay cánh đồng áp dụng phương pháp hữu cơ để chăn nuôi, trồng trọt, dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu và tăng giá.
Đáng chú ý, khoảng 90% người khảo sát đồng ý rằng thực phẩm hữu cơ là đắt so với các sản phẩm khác cùng loại. Tuy vậy, phần lớn người tiêu dùng đồng ý chi trả thêm một khoản cho thực phẩm hữu cơ. Ngoài ra, mặc dù người tiêu dùng đều đồng ý rằng việc tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ hiện nay được xã hội khuyến khích và ủng hộ, xong họ chưa đánh giá cao tính hiệu quả của các văn bản pháp lý. Như vậy có thể thấy, điều mà người tiêu dùng Việt Nam quan tâm nhất đó chính là sản phẩm có thực sự là sản phẩm hữu cơ hay không.
Cụ thể, 24% người trả lời tiêu dùng thực phẩm hữu cơ hàng ngày, 16% và 21% người tiêu dùng sử dụng thực phẩm hữu cơ 4 – 5 lần/ tuần và 2 – 3 lần/tuần. 38,49% người tiêu dùng còn lại sử dụng thực phẩm hữu cơ 1 lần/tuần, 2 – 3 lần/tháng hoặc không thường xuyên. Đặc biệt, số người tiêu dùng không thường xuyên sử dụng thực phẩm hữu cơ lên tới 29%.
Để đáp ứng xu hướng này, ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn và xanh. Các mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường đang được nhân rộng.
Xu hướng tiêu dùng thực phẩm xanh, sạch, hữu cơ không chỉ là lựa chọn của người tiêu dùng mà còn là trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển nông nghiệp xanh đã được ban hành, như: Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định, vai trò của nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế, trong đó phát triển nông nghiệp gắn với nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, gắn với nhu cầu thị trường. Theo Quyết định số 885/QĐ-TTg, ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. |