Toàn tỉnh có 269 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có hơn 90% sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử - Ảnh minh họa. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến nay toàn tỉnh có 269 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có hơn 90% sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chương trình OCOP đã tạo động lực mạnh mẽ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân Kiên Giang nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu. Việc được công nhận sản phẩm OCOP không chỉ giúp sản phẩm tiếp cận thị trường rộng lớn hơn mà còn nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh.
Điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp nông dân dứa Vĩnh Phú, huyện Giồng Riềng. Trước khi được công nhận OCOP, đầu ra cho trái dứa bấp bênh, giá cả thấp. Từ năm 2022, dứa Vĩnh Phú được công nhận OCOP 3 sao, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, liên kết đầu ra ổn định, giúp giá bán tăng cao, thu nhập của người dân cũng tăng lên đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết: "Sau khi được công nhận OCOP, thương hiệu dứa Vĩnh Phú được nhiều công ty đặt hàng, giá bán ổn định ở mức cao. Nông dân trong hợp tác xã có thu nhập bình quân 150 triệu đồng/ha, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/vụ."
Không chỉ dứa Vĩnh Phú, nhiều sản phẩm OCOP khác của Kiên Giang cũng được hưởng lợi từ chương trình này. Ngó riềng ấp Giồng Đá, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng, từ một sản phẩm ít người biết đến, nay đã trở thành đặc sản được ưa chuộng, giá bán tăng gấp đôi sau khi được công nhận OCOP 3 sao.
Hiện Kiên Giang có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 36 sản phẩm 4 sao và 227 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP của tỉnh rất đa dạng, từ nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến đến đồ thủ công mỹ nghệ.
Để hỗ trợ các chủ thể OCOP, tỉnh Kiên Giang đã và đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ, triển lãm, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, quảng bá rộng rãi trên các kênh truyền thông.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, khẳng định: "Các sản phẩm OCOP của Kiên Giang có tiềm năng lớn để thương mại hóa và tiếp cận sâu rộng các thị trường trong và ngoài nước. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới."
Với những kết quả đạt được, chương trình OCOP đang góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân và xây dựng nông thôn mới bền vững tại Kiên Giang.