Ảnh minh họa |
Nền kinh tế xanh là một khuôn khổ kinh tế lồng ghép các vấn đề về môi trường và tính bền vững vào tăng trưởng kinh tế. Nó nhằm mục đích tạo ra sự phát triển kinh tế và tạo việc làm đồng thời đảm bảo thỏa mãn nhu cầu con người nhưng không làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên vốn rất cần thiết cho sự sống còn của nhân loại. Không giống như các mô hình kinh tế truyền thống thường ưu tiên tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm đến môi trường, nền kinh tế xanh nhấn mạnh việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên. Các mô hình truyền thống có xu hướng coi thường những hậu quả của việc cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường. Ngược lại, nền kinh tế xanh tìm kiếm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và tính bền vững sinh thái, thừa nhận tính chất hữu hạn của các nguồn tài nguyên trên hành tinh chúng ta.
Chuyển dịch sang nền kinh tế xanh sẽ làm chậm lại sự gia tăng của hàm lượng cacbon và ngăn chặn biến đổi khí hậu. Sẽ có lợi cho sức khỏe con người, đảm bảo tính chịu đựng của hành tinh và sự sống còn của nhân loại. Thị trường toàn cầu hóa sẽ đi theo những chuỗi giá trị cung cầu xanh, với các dòng chảy mậu dịch và đầu tư được quy định nghiêm ngặt theo những nguyên lý bền vững.
Còn "Tăng trưởng xanh" là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững, nhằm đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của con người phụ thuộc vào, cho thế hệ này và những thế hệ mai sau. Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng: “Tăng trưởng xanh là quá trình sử dụng tài nguyên hiệu quả, sạch hơn và tăng cường khả năng chống chịu mà không làm chậm quá trình này”.
Việt Nam đang thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2045 với nhiều thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo chất lượng môi trường và an sinh xã hội trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi và chịu nhiều tác động tiêu cực do chiến tranh cục bộ; tăng trưởng thấp, khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia và biến đổi khí hậu. Và để đảm bảo được những mục tiêu phát triển như trên, từ tháng 9 năm 2012, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh.
Tuy nhiên, quá trình triển khai chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần phải giải quyết và điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp bối cảnh mới. Do đó, để có những góc nhìn đa chiều và tổng quát, việc nghiên cứu kinh nghiệm và thông lệ tốt của các quốc gia trên thế giới về xây dựng chiến lược dài hạn về Tăng trưởng xanh, sẽ mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc học hỏi, áp dụng vào tình hình đặc điểm của nền kinh tế - xã hội Việt Nam một cách linh hoạt, hiệu quả và từ đó thực hiện tốt Chiến lược Tăng trưởng xanh ở Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Tăng trưởng xanh ở Việt nam là mô hình tăng trưởng dựa vào quá trình thay đổi các mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh thông qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm khí thải nhà kính, đối phó biến đổi khí hậu, góp phần giảm nạn đói nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Vậy có thể nói "Tăng trưởng xanh" và "kinh tế xanh" có quan hệ rất mật thiết với nhau. Để có được tăng trưởng xanh thì không thể không có kinh tế xanh và ngược lại./.