![]() |
Chè là cây trồng chủ lực của một số địa phương trong tỉnh. |
Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã nỗ lực chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp sinh thái, bền vững thông qua việc áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch và thực hành nông nghiệp tốt theo chuẩn VietGAP, hữu cơ...
Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bao gồm các lĩnh vực như trồng rau, chè, cây ăn quả, dược liệu và lúa chất lượng cao đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp tăng thu nhập cho nông dân từ 20-30 % so với trước kia. Tính đến thời điểm hiện tại, Lào Cai có diện tích sản xuất được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP 79,2ha; chứng nhận đạt tiêu chuẩn Hữu cơ 5.019,74 ha; ngoài ra, còn nhiều diện tích, mô hình đang sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, Hữu cơ...
Bên cạnh đó, Lào Cai xác định nông nghiệp là ngành kinh tế trọng yếu của địa phương, đặc biệt với định hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ được coi là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại và hội nhập, đồng thời là giải pháp quan trọng để chuyển đổi tư duy phát triển số lượng sang coi trọng chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.
Đến nay, Tỉnh đang thu hút 4 doanh nghiệp đầu tư liên kết với gần 3.150 hộ nông dân tham gia sản xuất NNHC trên địa bàn. Một số sản phẩm chủ lực với diện tích lớn tập trung đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Quốc tế như 3.851,8 ha quế hữu cơ tại huyện Văn Bàn, Bắc Hà và Bảo Yên; 1.118,87 ha chè hữu cơ tại huyện Bắc Hà đang có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định trong và ngoài nước, góp phần thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao thu nhập của người dân địa phương.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Lào Cai vẫn chưa thật sự tương xứng với lợi thế của địa phương; diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư còn ít, chi phí cho sản xuất và chứng nhận hữu cơ lớn; nhận thức người dân còn hạn chế, trình độ sản xuất vẫn lạc hậu. Đặc biệt, đầu ra cho sản phẩm sạch còn chưa thực sự ổn định, còn phụ thuộc thị trường…
![]() |
Sản xuất chè hữu cơ giúp cho nông dân có thu nhập cao hơn so với trước đây. |
Từ thực tiễn sản xuất trên, Sở Nông nghiệp và Môi trường rút ra một số bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong giai đoạn tiếp theo, gồm: Tổ chức thực hiện tốt các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo đúng quy định. Đồng thời, thường xuyên rà soát trình cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung các quy định phù hợp tình hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn; xây dựng các mô hình tổ chức quản lý sản xuất, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chè, quế, cây ăn quả, rau an toàn theo tiêu chuẩn, VietGAP, Hữu cơ tập trung, đồng bộ; ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số phục vụ phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn; hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp đang tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên địa bàn.
Các cây trồng được đầu tư theo chiều sâu, sản xuất theo các quy trình an toàn, hữu cơ, xây dựng thương hiệu, xây dựng mã số vùng trồng và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; các sản phẩm đã khẳng định được vị thế sản phẩm nông sản của Lào Cai, thích ứng tốt trước những khó khăn trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới do bị đứt gãy các chuỗi cung ứng, bảo hộ mậu dịch.
Việc triển khai, thực hiện các dự án, mô hình bước đầu xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ áp dụng kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ, nâng cao năng lực sơ chế, chế biến và phát triển thị trường, hình thành các mối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với các hộ nông dân tạo chuỗi giá trị sản xuất từ khâu sản xuất, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo tính ổn định, bền vững trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Liên kết sản xuất theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ: Hiện có 50 mô hình liên kết với tổng số 45 doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (trong đó 16 doanh nghiệp, 29 HTX), với quy mô khoảng 18.000 ha, liên kết với 17.275 hộ nông dân, giá trị liên kết khoảng 1.560 tỷ đồng.
Trong đó, đổi mới và phát triển hình thức kinh tế tập thể, tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh là 322 HTX tăng so với năm 2024 là 02 HTX. Trong đó có 217 HTX đang hoạt động; 105 HTX ngừng hoạt động./.