![]() |
Người tiêu dùng, đặc biệt là tầng lớp trung lưu và cư dân đô thị, ngày càng có ý thức về sức khỏe, sẵn sàng chi trả cao hơn cho thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng và đạt chứng nhận hữu cơ. Ảnh minh họa. |
Thị trường “hệ sinh thái” của sản xuất hữu cơ
Nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi quy trình sản xuất nghiêm ngặt, từ khâu lựa chọn giống, đất trồng, phân bón, phương pháp chăm sóc đến thu hoạch và bảo quản. Không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, phân bón tổng hợp, chất kích thích tăng trưởng, nông nghiệp hữu cơ hướng đến một mô hình canh tác dựa trên sự hài hòa với tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện độ màu mỡ của đất. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích đó là chi phí sản xuất cao hơn và thời gian đầu tư dài hạn hơn so với nông nghiệp truyền thống.
Do đó, nếu không có thị trường tiêu thụ đủ mạnh, đủ ổn định để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm với mức giá hợp lý, thì người nông dân sẽ khó lòng duy trì mô hình sản xuất hữu cơ. Thực tế cho thấy, nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp đã thất bại hoặc từ bỏ nông nghiệp hữu cơ không phải vì kỹ thuật, mà vì không tiêu thụ được sản phẩm, hoặc bị ép giá do thị trường nhỏ lẻ, thiếu liên kết.
Một tín hiệu đáng mừng là xu hướng tiêu dùng xanh - sạch đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Người tiêu dùng, đặc biệt là tầng lớp trung lưu và cư dân đô thị, ngày càng có ý thức về sức khỏe, sẵn sàng chi trả cao hơn cho thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng và đạt chứng nhận hữu cơ. Các chuỗi siêu thị lớn như Co.opmart, WinMart, AEON, Mega Market… đã bắt đầu dành riêng khu vực cho nông sản hữu cơ, bên cạnh sự phát triển của các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và nông trại hữu cơ kết nối trực tiếp với khách hàng.
Nhận thức của người tiêu dùng về biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và an toàn thực phẩm đang ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp bền vững. Theo Khảo sát 2024 Voice of the Consumer của PwC, hơn 80% người tiêu dùng cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm được sản xuất hoặc cung ứng bền vững. Về mức giá, một số người tiêu dùng sẵn sàng trả trung bình cao hơn 9,7% cho các sản phẩm hữu cơ đáp ứng được các tiêu chí về môi trường.
Báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của AC Nielsen cho thấy tại Việt Nam có 86% người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm organic (hữu cơ) cho bữa ăn hàng ngày vì giàu dinh dưỡng, an toàn cho sức khỏe và không gây ảnh hưởng đến môi trường. Khảo sát này cũng cho thấy hiện 24% người tham gia khảo sát đang tiêu dùng thực phẩm hữu cơ hàng ngày, 16% và 21% người tiêu dùng sử dụng thực phẩm hữu cơ 4 - 5 lần/ tuần và 2 - 3 lần/tuần...
![]() Nông nghiệp hữu cơ, một mô hình sản xuất thân thiện với môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, đang ngày càng thu hút ... |
![]() Nông nghiệp hữu cơ đang trở thành xu hướng toàn cầu nhờ vào lợi ích bền vững đối với môi trường, sức khỏe con người ... |
![]() Hình thức bán hàng qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển mạnh mẽ, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp. So ... |
Thách thức và chiến lược thúc đẩy thị trường tiêu thụ
Dù tiềm năng thị trường lớn, nhưng nông nghiệp hữu cơ vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản trong khâu tiêu thụ. Thứ nhất là giá thành cao, khiến sản phẩm hữu cơ chưa thể tiếp cận được đại đa số người tiêu dùng thu nhập thấp và trung bình. Thứ hai là thiếu minh bạch trong quy trình sản xuất và chứng nhận, dẫn đến tình trạng lạm dụng từ “hữu cơ” gây nhiễu loạn thị trường, làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Thứ ba, thiếu hệ thống phân phối chuyên nghiệp và quy mô nhỏ lẻ khiến việc kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng còn rời rạc, phụ thuộc nhiều vào kênh trung gian. Cuối cùng là thiếu chính sách hỗ trợ tiêu thụ dài hạn từ phía Nhà nước, bao gồm quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại và hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu.
![]() |
Hiệp hội đã trở thành cầu nối của tổ chức hữu cơ quốc tế với sự phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. |
Một thị trường tiêu thụ phát triển ổn định không chỉ giúp sản phẩm hữu cơ có chỗ đứng, mà còn tạo động lực để người nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Khi nhu cầu và nguồn cung được kết nối hài hòa, sẽ hình thành một hệ sinh thái hữu cơ thực sự – nơi lợi ích kinh tế song hành với trách nhiệm xã hội và môi trường.
Để thị trường tiêu thụ thực sự trở thành đòn bẩy cho nông nghiệp hữu cơ, cần một chiến lược tổng thể với sự tham gia của cả Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân.
Thứ nhất, cần đẩy mạnh xây dựng các chuỗi giá trị hữu cơ khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Các hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò kết nối nông dân với doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, đủ số lượng để cung ứng cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch hoặc xuất khẩu.
Thứ hai, phát triển các hình thức tiêu thụ hiện đại như thương mại điện tử, các sàn giao dịch nông sản hữu cơ trực tuyến, hệ thống đặt hàng theo mô hình “nông trại đến bàn ăn” (farm-to-table) giúp người tiêu dùng tiếp cận trực tiếp với người sản xuất.
Thứ ba, Nhà nước cần hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm hữu cơ tại các hội chợ quốc tế, thiết lập các thỏa thuận thương mại về nông sản hữu cơ với các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ… Đồng thời, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận, quản lý nhãn mác để chống gian lận hữu cơ.
Thứ tư, truyền thông cần vào cuộc mạnh mẽ để nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của nông sản hữu cơ và thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm.
Nông nghiệp hữu cơ là tương lai của nền nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, tương lai ấy chỉ có thể thành hiện thực khi thị trường tiêu thụ đủ lớn, đủ ổn định và đủ minh bạch. Thị trường không chỉ đơn thuần là nơi bán sản phẩm, mà là bệ phóng cho người sản xuất, doanh nghiệp và toàn ngành nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh mẽ. Đã đến lúc, các bên liên quan cần cùng nhau xây dựng một thị trường tiêu thụ hữu cơ vững mạnh - để “nông sản sạch” thực sự trở thành lựa chọn thường xuyên.
Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế toàn cầu, đầu tư cho phát triển xanh là xu hướng tất yếu. Những năm qua, nước ta đã có bước chuyển mới hướng tới một nền kinh tế xanh, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh để bảo đảm bền vững các trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Trong bối cảnh đó, nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển nông nghiệp xanh đã được ban hành, như: Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định, vai trò của nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế, trong đó phát triển nông nghiệp gắn với nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, gắn với nhu cầu thị trường. Trước đó, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và năm 2020 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. |