![]() |
Nông nghiệp hữu cơ đang dần mở rộng và phát triển một cách nhanh chóng tại Việt Nam. |
Nhiều quyết sách hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Theo Sở NN&PTNT Ninh Bình (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) với nhiều chính sách được ban hành về phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Ninh Bình được các doanh nghiệp quan tâm, tích cực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái gắn với nông nghiệp hữu cơ đối với nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi. Trong đó chú trọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với một số đối tượng đặc hữu, bản địa, có lợi thế cạnh tranh của địa phương.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về Nông nghiệp hữu cơ có hiệu lực tháng 10/2018. Từ thực tiễn sản xuất và căn cứ pháp lý quy định, ngay từ năm 2018 (vụ mùa 2018) Sở NN&PTNT Ninh Bình nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường đã nghiên cứu và thử nghiệm sản xuất hữu cơ được triển khai với 3 mô hình lúa - cá theo mô hình hữu cơ quy mô 5ha/mô hình. Từ thành công bước đầu của những mô hình đó, Sở NN&PTNT Ninh Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách của HĐND tỉnh cụ thể như NQ 39/2018/NQ-HĐND; NQ 113/2020/NQ-HĐND, trong đó có chính sách hỗ trợ sản xuất lúa theo mô hình hữu cơ.
Năm 2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg với mục tiêu tổng quát là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới.
Hiện nay, canh tác hữu cơ đã được lan tỏa trong sản xuất trồng trọt, đảm bảo theo đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và của tỉnh Ninh Bình. Diện tích sản xuất lúa hữu cơ, rau quả theo mô hình hữu cơ từng bước tăng dần.
Bên cạnh thuận lợi và kết quả đã đạt được phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Ninh Bình cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Như quy trình sản xuất hữu cơ rất khắt khe, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên chi phí sản xuất cao.
![]() |
Mô hình trồng lúa hữu cơ tại xã Khánh Trung (Yên Khánh, Ninh Bình). |
Đặc biệt với những vùng thâm canh cao, trước đây đã sử dụng nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật khi muốn chuyển sang sản xuất hữu cơ đòi hỏi thời gian chuyển đổi lâu, năng suất giảm và gặp khó khăn trong phòng chống sâu bệnh, cân bằng sinh thái bị phá vỡ trước đây cần thời gian để thiết lập lại.
Việc đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn (TCVN) trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn như quy hoạch vùng trồng vì chưa được triển khai hợp lý do nông nghiệp hữu cơ cần có vùng cách ly với nông nghiệp truyền thống; Hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi cán bộ kỹ thuật, người sản xuất phải có đủ trình độ để tiếp cận và sử dụng công nghệ, tuy nhiên lực lượng này còn mỏng, cần có thời gian đào tạo nâng cao;…
Nâng cao nhận thức cho người sản xuất
Theo ông Nguyễn Hữu Ngọc - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh cho biết hiện các chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với phát triển nông nghiệp hữu cơ đang được triển khai từ trung ương tới địa phương, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh. Đây là yếu tố thuận lợi tạo đà cho nông nghiệp hữu cơ phát triển sâu rộng và đa dạng cả về sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi. Nhận thức của các hộ sản xuất, kinh doanh đối với sản xuất hữu cơ là sản xuất bền vững, mang lại môi trường sống an toàn, nâng cao sức khỏe, tuổi thọ.
Nguồn lao động trẻ, có kiến thức, hiểu biết về công nghệ thông tin, nắm bắt nhanh về kĩ thuật sản xuất ở địa phương sẵn sàng có thể đáp cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đây là yếu tố thuận lợi lớn cho phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và nông nghiệp hữu cơ nói riêng.
Hiện tại, đa số các mô hình sản xuất hữu cơ bước đầu có sự liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, điển hình như tập đoàn Quế Lâm. Đây là yếu tố quan trọng tạo lòng tin, sự quyết tâm thay đổi, hướng đến mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.
Cũng theo ông Ngọc thì bên cạnh những thuận lợi tỉnh Hà Tĩnh còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển nông nghiệp hữu cơ như: Các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh mới tiếp cận với sản xuất hữu cơ, chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm đối với mô hình sản xuất này. Phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát nên khó trong việc gom diện tích để lập đội, nhóm sản xuất hữu cơ; bên cạnh đó, thói quen của người sản xuất trong việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học để đáp ứng nhu cầu về năng suất và sản lượng còn rất phổ biến. Vì vậy, việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ là một thách thức lớn.
![]() |
Hà Tĩnh đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2 - 2,5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. (Ảnh minh họa) |
Nhu cầu về vốn vay ưu đãi của các hộ sản xuất, kinh doanh là rất cao trong khi việc tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng còn nhiều hạn chế. Do hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không có tài sản thế chấp, các hộ nông dân thiếu vốn đầu tư ban đầu cho sản xuất.
Đặc biệt, cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư chưa đủ mạnh để thúc đẩy các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn, tập trung theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, mà hiện tại chỉ mới phát triển các mô hình quy mô nhỏ, có liên kết với một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh. Chưa hình thành được chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bền vững, hiệu quả chưa cao.
Sản xuất hữu cơ còn nhỏ lẻ
Theo Sở NN&PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tỉnh Tuyên Quang, với lợi thế vùng nông sản hàng hóa tập trung trong đó có vùng lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang với diện tích trên 8.000 ha có chất lượng nước tốt, thuận lợi cho nghề nuôi cá lồng bè công nghệ cao gắn với chế biến. Một số vùng đất có độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, khí hậu, chất đất, nguồn nước chưa bị ô nhiễm rất thuận lợi cho sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó có vùng trồng chè Shan tuyết là giống đặc sản của tỉnh với diện tích hiện có trên 1.000 ha. Cùng với các hệ sinh thái rừng tự nhiên đại ngàn dưới Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.
![]() |
Chè Shan tuyết là giống đặc sản của tỉnh với diện tích hiện có trên 1.000 ha. (Ảnh minh họa) |
Với tiềm năng đó, Tuyên Quang là điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, chế biến nông lâm thủy sản, du lịch sinh thái.
Theo báo cáo, sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh hiện nay còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, hàng hóa chưa đa dạng, sức cạnh tranh trên thị trường thấp. Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, theo tiêu chuẩn hữu cơ còn ít chưa có nhiều mô hình sản xuất hữu cơ hiệu quả để tuyên truyền, nhân rộng. Quy trình sản xuất hữu cơ yêu cầu khắt khe, khó áp dụng, nguồn vật tư đầu vào gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu tư cho sản xuất hữu cơ cao hơn so với sản xuất thông thường... do đó việc mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ còn chậm, số lượng tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất hữu cơ chưa nhiều.
Số doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ với nông dân thông qua hợp đồng còn ít; xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế...
Đặc biệt, việc áp dụng hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS mặc dù được IFOAM công nhận nhưng cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận chính thức để áp dụng vào các chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh.
Lợi ích của sản xuất hữu cơ là bảo vệ đa dạng sinh học, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên; duy trì và nâng cao sức khỏe của con người trong tất cả các khâu từ canh tác, chế biến, phân phối đến tiêu dùng; tăng cường sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước, đất đai và không khí; nâng cao chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch, tiểu đường,...; tăng cường sức đề kháng của con người, giúp phòng chống bệnh tật; thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Nông nghiệp hữu cơ đang có xu hướng phát triển tại nhiều địa phương, nhưng để phát triển bền vững, ổn định cần sự chung tay, góp sức của cả Nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất.