![]() |
Sầu riêng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nhiều cảnh báo về chất lượng, đồng thời có thêm đối thủ cạnh tranh khiến vị trí nhà cung cấp sầu riêng số 1 cho thị trường Trung Quốc đang bị lung lay dữ đội. |
Sầu riêng thêm đối thủ cạnh tranh
Giữa tháng 4/2025, Campuchia và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về kiểm dịch thực vật để xuất khẩu sầu riêng tươi từ Campuchia sang Trung Quốc. Như vậy, Campuchia là quốc gia thứ 5 ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, sau Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines.
Cũng trong tháng 4/2025, chính quyền tỉnh Attapeu (Lào) đã cấp phép cho 3 công ty Lào để trồng sầu riêng trên hàng trăm ha, phù hợp với chiến lược của Chính phủ nhằm tăng cường sản xuất trái cây thương mại. Bước tiến này cũng phù hợp với mục tiêu của Lào là trở thành nhà cung cấp sầu riêng cho Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ 91% sầu riêng toàn cầu. Các thỏa thuận được ký kết vào ngày 7/4 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh, có sự chứng kiến của Phó Thống đốc Tanouxay Banxalith.
Mỗi công ty được nhượng quyền 30 năm cho 100 ha, chủ yếu để trồng sầu riêng, trong khi vẫn bảo tồn các khu vực rừng. Theo Đài phát thanh quốc gia Lào, có tổng cộng hơn 273/300 ha được chỉ định để trồng sầu riêng. Sau khi thỏa thuận, các công ty phải nộp đơn xin giấy phép đầu tư và tuân thủ các yêu cầu của pháp luật, bao gồm cả nghĩa vụ thuế. Sáng kiến này là một phần của chính sách rộng hơn nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia bảo tồn rừng và sản xuất nông nghiệp.
Tính đến năm 2024, diện tích trồng sầu riêng của Lào đã đạt hơn 3.000 ha, dự kiến tăng mạnh theo từng năm. Theo thông tin từ truyền thông Lào, Chính phủ Lào đã đồng ý giao 12.000 ha đất nông nghiệp cho các công ty Trung Quốc chuyên trồng sầu riêng nhằm xuất khẩu sang Trung Quốc. Như vậy trong thời gian tới, Ngoài Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Campuchia, 2 quốc gia khác đang tiến rất gần đến việc hoàn tất thỏa thuận xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này. Cụ thể, Indonesia với mặt hàng sầu riêng đông lạnh và Lào đang trong quá trình chuẩn bị tài liệu để mở cửa thị trường và đã được chấp thuận về nguyên tắc cho việc xuất khẩu.
Đánh giá về thế mạnh của sầu riêng Lào tại thị trường tỷ dân, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết "Lợi thế của Lào là được Trung Quốc đầu tư, giám sát, hỗ trợ trồng trọt bài bản, nên trái sầu riêng sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe về dư lượng Cadimi và chất vàng O - 2 yếu tố đang khiến nhiều lô sầu riêng Việt Nam bị tắc đường sang Trung Quốc” nói. Cũng theo ông Nguyên thì mức độ cạnh tranh của sầu riêng Lào với Việt Nam chưa thật sự gay gắt hiện nay do diện tích trồng sầu riêng của Lào vẫn còn khá khiêm tốn so với Việt Nam và Thái Lan. Hiện, diện tích sầu riêng của nước ta đạt khoảng 169.000 ha với sản lượng khoảng 1,55 triệu tấn. Còn Thái Lan, tính đến năm 2024, diện tích trồng sầu riêng hơn 163.000 ha với sản lượng 1,53 triệu tấn/năm.
![]() |
Để duy trì vị trí nhà cung cấp sầu riêng số 1 cho thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến dư lượng chất bảo quản thực vật. |
Đối với Indonesia dù có sản lượng lên tới 1,83 triệu tấn mỗi năm nhưng theo ông Nguyên thì quốc gia này sẽ không dễ dàng chiếm ưu thế thị phần, do khoảng cách địa lý xa Trung Quốc và cũng phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật tương tự như Việt Nam, Thái Lan là kiểm soát dư lượng chất vàng O và Cadimi.
Xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến dư lượng chất bảo quản thực vật
Ông Nguyễn Văn Mười - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), nhận định khó khăn của thị trường sầu riêng không phải là hiện tượng cục bộ, nhất thời, đòi hỏi phải sự thay đổi lớn để giữ được phong độ. Ông Mười dẫn số liệu cho thấy năm 2024, xuất khẩu sầu riêng bùng nổ với giá trị 3,3 tỉ USD, kỳ vọng sẽ tiếp tục phá kỷ lục vào năm nay khi Trung Quốc mở cửa thêm cho sầu riêng đông lạnh. Thế nhưng, quý I/2025, xuất khẩu sầu riêng chỉ mới đạt 98 triệu USD, giảm đến 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Trung Quốc thu mua giá trị 49,6 triệu USD, giảm 78% so với cùng kỳ.
"Nguyên nhân ngoài việc Trung Quốc kiểm soát cadimi và vàng O khiến các nước xuất khẩu sầu riêng trở tay không kịp thì còn bởi nhu cầu thị trường yếu đi. Vấn đề thuế quan từ Mỹ khiến kinh tế Trung Quốc không tránh khỏi ảnh hưởng, kéo theo tiêu dùng những mặt hàng xa xỉ như sầu riêng giảm" - ông Mười phân tích.
Ông Nguyễn Văn Mười nhận xét sầu riêng trước đây chủ yếu để xuất khẩu, ít phục vụ thị trường trong nước nên thiếu sự đầu tư. Người tiêu dùng phải bỏ ra số tiền lớn để mua sầu riêng nhưng tiêu chuẩn, chất lượng không rõ ràng. Nơi bán thường cam kết "bao ăn" nhưng đây là khái niệm mơ hồ trong khi sầu riêng xuất khẩu có định lượng, định tính và kiểm nghiệm rõ ràng. "Có những lô hàng xuất khẩu "quay đầu" vẫn tiêu thụ được trong nước. Do đó, cơ quan chức năng cần phân định rõ, yêu cầu hủy lô hàng vi phạm, chỉ cho phép bán ở thị trường nội địa với những lô đáp ứng tiêu chuẩn" - ông Mười đề nghị.
Tuy nhiên, trước việc Trung Quốc liên tục mở rộng nguồn cung, các doanh nghiệp sầu riêng Việt Nam không nên chủ quan mà cần nghiêm túc đảm bảo chất lượng, sản lượng, truy xuất nguồn gốc và tuân thủ chặt chẽ quy định về mã số vùng trồng. Về lợi thế, Việt Nam có diện tích vùng trồng lớn, sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm và kinh nghiệm xuất khẩu. Việc vận chuyển sầu từ vùng trồng ở nước ta sang Trung Quốc chỉ mất khoảng 1,5 ngày, sầu riêng vẫn đảm bảo tươi ngon. Do đó, sầu riêng Việt Nam hoàn toàn tự tin cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc.
"Để sầu riêng Việt Nam giành lại vị thế dẫn đầu trong thị trường Trung Quốc, điều kiện tiên quyết là phải giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến dư lượng chất bảo quản thực vật có trong trái sầu riêng. Đây là thách thức lớn nhất mà thị trường sầu riêng Việt Nam đang gặp phải", ông Nguyên nhấn mạnh.
Sầu riêng Việt Nam có quanh năm, trong đó, chính vụ diễn ra từ tháng 3 đến tháng 11 và trái vụ tại khu vực miền Tây diễn ra từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Đây được cho là lợi thế của sầu riêng Việt. Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, do đó tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tác động tích cực lên toàn ngành. Ông Đặng Phúc Nguyên cũng kỳ vọng giá trị xuất khẩu rau quả nói chung và sầu riêng nói riêng, của Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại trong quý II này. Riêng với mặt hàng sầu riêng, xuất khẩu dự báo sẽ tăng lên nhờ vào nguồn cung và nhu cầu của thị trường Trung Quốc.
Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, các doanh nghiệp, người sản xuất phải chú trọng vào việc nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm, tuyệt đối không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng theo quy định của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, đơn vị xuất khẩu cần đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Trung Quốc trong đó có việc tuân thủ nghiêm về quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, quy trình, nhật ký sản xuất...
Thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I/2025 đạt 1,14 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng sụt giảm mạnh. Trong 2 tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 52,7 triệu USD, giảm 69,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu qua Trung Quốc giảm 83%, chỉ còn 27 triệu USD. Sầu riêng từ vị trí xuất khẩu dẫn đầu, nay rơi xuống hạng 3, sau thanh long và chuối. |