![]() |
90% diện tích lúa của tỉnh Thanh Hóa sử dụng các giống đạt năng suất, chất lượng cao, có khả năng thích ứng và chống chịu tốt - Ảnh minh họa. |
Thanh Hóa được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, quy mô lớn. Những năm qua, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Ngành nông nghiệp đã khuyến khích nông dân áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản và chế biến. Bên cạnh đó, các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cũng được triển khai và nhân rộng, như cấy lúa lai, bón phân viên nén dúi sâu, sử dụng giống lúa lai 3 dòng chống hạn, và máy bay không người lái. Hiện nay, 90% diện tích lúa của tỉnh sử dụng các giống đạt năng suất, chất lượng cao, có khả năng thích ứng và chống chịu tốt.
Việc tích tụ, tập trung đất đai cũng được đẩy mạnh để xây dựng các vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng cao. Người dân cũng nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên các loại thuốc sinh học, có tính chọn lọc và hiệu lực cao.
Tại một số địa phương, các HTX đã tiên phong đưa vào sản xuất thử nghiệm các giống lúa mới theo tiêu chuẩn VietGAP. Để người dân yên tâm sản xuất, HTX đã cải tạo đất hoang và thực hiện các biện pháp hỗ trợ sản xuất. HTX cũng liên kết với các đơn vị để chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung cấp giống, thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ đầu ra cho người dân.
Nhiều mô hình liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi đạt hiệu quả kinh tế cao đã được hình thành và phát triển. Các địa phương cũng chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo, như gạo nếp cái hoa vàng, gạo Tiên Sơn, gạo sạch Hương Quê, gạo Vân Đài...
Các địa phương cũng tiếp tục xây dựng các mô hình trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, áp dụng khoa học - kỹ thuật, tăng cường chế biến sâu và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo.
Thời gian gần đây, việc sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng và lợi nhuận sản xuất ngày càng tăng. Người dân đã thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào các khâu sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất lúa quy mô lớn, chất lượng cao.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Thanh Hóa sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, giống chất lượng, công nghệ mới trong sản xuất lúa gạo; chế biến các sản phẩm gạo an toàn, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo của tỉnh.