Theo thống kê, hiện nay các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có tới 30 sản phẩm OCOP được chế biến từ gạo, chiếm 12,5% tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh - Ảnh minh họa. |
Thái Nguyên không chỉ nổi tiếng với chè, mà còn là vùng sản xuất lúa gạo quan trọng với sản lượng gần 380.000 tấn mỗi năm từ diện tích hơn 67.000 ha. Tuy nhiên, thương hiệu gạo Thái Nguyên vẫn chưa thực sự nổi bật trên thị trường. Để thay đổi điều này, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung vào chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm đa dạng từ gạo, góp phần nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho người nông dân.
HTX ở huyện Định Hóa là ví dụ điển hình. Từ gạo Bao Thai đặc sản địa phương, HTX đã sản xuất bún ngũ sắc kết hợp với các loại rau củ tự nhiên. Sản phẩm này không chỉ đạt chứng nhận OCOP 3 sao mà còn được bày bán tại các siêu thị, trạm dừng nghỉ lớn, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Một HTX khác lại lựa chọn chế biến gạo nếp Thầu Dầu thành các sản phẩm cơm cháy đa dạng. Với chất lượng đảm bảo và bao bì đẹp mắt, cơm cháy của HTX cũng đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao và phân phối rộng rãi trong tỉnh.
Theo thống kê, hiện nay các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có tới 30 sản phẩm OCOP được chế biến từ gạo, chiếm 12,5% tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh. Bên cạnh bún và cơm cháy, các sản phẩm này còn bao gồm mỳ, rượu, bánh truyền thống, tương nếp…
Việc đầu tư vào chế biến sâu đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Năm 2023, giá trị sản phẩm thu được trên đất trồng trọt của Thái Nguyên đạt bình quân 128,7 triệu đồng/ha, tăng gần 19 triệu đồng so với năm 2020.
Để tiếp tục phát triển, Liên minh HTX tỉnh đang tích cực hỗ trợ các HTX quảng bá sản phẩm, tham gia hội chợ, triển lãm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hướng đi này không chỉ giúp nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.
Khủng hoảng gạo trầm trọng nhất 3 thập kỷ |
Việt Nam bán gạo thơm, mua gạo thường |
Gạo Ấn Độ trở lại "đe dọa" thị phần gạo Việt |