![]() |
Ngày 10/4/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị “Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm sầu riêng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” |
Trước đó, Tạp chí điện tử Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đưa tin, ngày 10/4/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị “Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm sầu riêng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Hội nghị do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, cùng với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị, địa phương: Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam và Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Môi trường); Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng; UBND thành phố Bảo Lộc; Phòng Nông nghiệp và Môi trường và Trung tâm Nông nghiệp các huyện/thành phố: Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà và Bảo Lộc; chủ thể 114 vùng trồng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ nông dân liên kết sản xuất sầu riêng gắn với xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Từ Hội nghị trên, và ý kiến của các cơ quan chuyên môn, địa phương, cũng như các chủ thể vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phục vụ xuất khẩu, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý và đảm bảo chất lượng sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND các huyện, thành phố Bảo Lộc; chủ thể các vùng trồng và cơ sở đóng gói (CSĐG) sầu riêng phối hợp triển khai thực hiện một số nội dung, cụ thể như:
UBND các huyện, thành phố: Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông và thành phố Bảo Lộc Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các địa phương cấp xã thực hiện tốt các nội dung, như: Hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nông dân xây dựng mã số vùng trồng tại địa phương; thực hiện tốt công tác quản lý và tuyên truyền áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất sầu riêng đảm bảo năng suất và chất lượng tại địa phương theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tại văn bản số 30/SNNMT-TTBVTV ngày 05/3/2025.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường (Chi cục Trồng trọt và BVTV, Chi cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường): tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đối tượng KDTV, ATTP tại các vùng trồng, CSĐG sầu riêng đã được cấp mã số tại địa phương.
Tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn về công tác quản lý chất lượng sản phẩm sầu riêng phục vụ xuất khẩu tại địa phương, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân: canh tác sầu riêng an toàn, chỉ sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; khuyến khích sử dụng than sinh học để cải tạo, xử lý đất; hạn chế sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV có chứa Cadmi (Cd), chì (Pb) và đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch; không sử dụng chất vàng O (Auramine O) trong sơ chế, bảo quản sản phẩm sầu riêng.
Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã ở ngoài tỉnh đến thu mua sầu riêng của các mã đã được cấp tại địa phương, cần có biện pháp quản lý, tổ chức đối thoại, trao đổi, kiểm tra hoạt động mua bán giữa các đơn vị thu mua và nông dân nhằm quản lý sản xuất, tiêu thụ sầu riêng hiệu quả trên địa bàn.
Giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác giám sát chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số để đảm bảo duy trì theo yêu cầu của nước nhập khẩu;
Thực hiện tốt công tác kiểm tra vật tư nông nghiệp năm 2025 theo kế hoạch đã được phê duyệt; lấy mẫu, phân tích kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, kim loại nặng và vàng O để quản lý vùng trồng, CSĐG sầu riêng; thực hiện nghiêm túc theo yêu cầu chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật tại văn bản số 2635/BVTV-HTQT ngày 09/10/2023 về việc thông báo không tuân thủ của Tổng cục hải quan Trung Quốc.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về mã số vùng trồng và CSĐG xuất khẩu để các cơ sở triển khai đồng bộ, nhập nhật ký vào hệ thống; góp phần nâng cao công tác quản lý đảm bảo khách quan và hiệu quả.
Phối hợp với Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, vàng O đối với sản phẩm sầu riêng đảm bảo kịp thời phục vụ cho công tác xuất khẩu.
![]() |
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng giao Chi cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường: Chủ trì hướng dẫn, tuyên truyền quản lý chất lượng sầu riêng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn xuất khẩu |
Giao Chi cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường: Chủ trì hướng dẫn, tuyên truyền quản lý chất lượng sầu riêng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các CSĐG đã được cấp mã số xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt kiểm tra thường xuyên mặt hàng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Chủ thể các vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc: Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, theo dõi, giám sát và xử lý sâu bệnh hại, đặc biệt là các đối tượng KDTV và kiểm soát tốt kim loại nặng Cd, Pb.
Thường xuyên chủ động phân tích để kiểm soát chặt chẽ các đối tượng KDTV, kim loại nặng Cd và Pb; chỉ tiêu ATTP tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Cơ sở đóng gói cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất nguồn gốc, đầu tư trang bị để thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, tuyệt đối không sử dụng chất vàng O trong sơ chế, bảo quản sản phẩm sầu riêng.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tổ chức liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sầu riêng thực chất hơn: các doanh nghiệp phải thông tin công khai tình trạng phê duyệt mã số, kế hoạch thua mua và xuất khẩu cho nông hộ liên kết; ngược lại người dân phải đồng hành cùng doanh nghiệp, tuân thủ quy trình canh tác sầu riêng an toàn, thu hoạch đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và không vì vụ lợi phá vỡ liên kết với các doanh nghiệp nhằm tạo tính ổn định, bền vững, lâu dài theo chuỗi giá trị.
Chỉ xuất khẩu sầu riêng khi đảm bảo kiểm soát 100% sản phẩm từ khâu vùng trồng đến đóng gói đảm bảo yêu cầu của nước nhập khẩu, để tránh bị thu hồi, tạm dừng mã số./.