Quang cảnh hội nghị |
Cùng dự còn có đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Cục Hải Quan, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 và VCCI; đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của 23 tỉnh, thành; đại diện lãnh đạo một số Cục, Vụ trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường; đại diện các Hiệp hội sầu riêng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, phòng thử nghiệm tham gia chuỗi xuất khẩu sầu riêng; đại diện các Viện nghiên cứu, trường đại học và phóng viên các đài, báo Trung ương và địa phương.
Ngành hàng sầu riêng đã và đang trở thành một trong những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu mạnh mẽ nhất của Việt Nam trong những năm qua; đặc biệt là sau khi ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật với Trung Quốc. Bên cạnh những thành quả ấn tượng đã đạt được, mặt hàng sầu riêng Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, từ nhu cầu thị trường sụt giảm, sự canh tranh quyết liệt và chia sẻ thị phần của Thái Lan, Cambodia, Malaysia..., đến việc kiểm soát an toàn thực phẩm; sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và truy xuất nguồn gốc.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại hội nghị |
Theo thống kê, nếu như năm 2015, diện tích trồng sầu riêng chỉ có 32 nghìn ha thì đến 2024 đã tăng lên 178,8 nghìn ha (trung bình mỗi năm tăng 16,3 nghìn ha); đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, bất chấp rất nhiều khuyến cáo từ cơ quan chuyên môn, diện tích trồng sầu riêng vẫn tăng 2,38 lần so với mục tiêu phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ NN-PTNT. Trong khi diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh thì thị trường xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (năm 2024 chiếm 97,2% và là nhà cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc). Sự phụ thuộc quá lớn này là một trong những nguyên nhân biến động về kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam khi có bất kỳ sự biến động nào từ thị trường Trung Quốc. Ghi nhận trong 4 tháng đầu năm 2025, nhu cầu của thị trường Trung Quốc đã giảm 46,5% về lượng và 48,1% về giá trị. Nguyên nhân có thể là từ xu hướng cắt giảm chi tiêu do kinh tế khó khăn và mặt hàng sầu riêng đã giảm dần sức “nóng” tại thị trường tỷ dân này. Cùng với đó là sự cạnh tranh thị phần và gia tăng kiểm soát về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025, Trung Quốc đã chính thức cho phép Cambodia, Malaysia... xuất khẩu sầu riêng nên phần nào làm gia tăng sự cạnh tranh và chia sẻ thị phần của sầu riêng Việt Nam.
Tại Hội nghị, đánh giá về ngành hàng sầu riêng Việt Nam, các nhà quản lý, chuyên gia cho rằng có 7 tồn tại, hạn chế cần phải cấp bách khắc phục và hành động quyết liệt trong thời gian tới để phát triển bền vững ngành hàng tỷ đô, đó là: Hiện tượng tăng trưởng nóng về sản lượng, diện tích và quy mô xuất khẩu. Việc mở rộng diện tích chủ yếu mang tính tự phát, thiếu quy hoạch bài bản và chưa gắn với phát triển vùng nguyên liệu có kiểm soát. Các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ còn rời rạc, thiếu tính khép kín và cơ chế ràng buộc rõ ràng giữa các bên tham gia. Sự mất cân đối giữa tăng trưởng và năng lực tổ chức chuỗi giá trị đang đặt ngành sầu riêng trước rủi ro lớn: Vi phạm kỹ thuật, trả hàng, mất thị trường.
Yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt kim loại nặng và chất cấm (Cadimi và chất Vàng ô) là các yêu cầu kỹ thuật phát sinh, còn lúng túng ban đầu, đòi hỏi toàn chuỗi giá trị sầu riêng phải có các hành động phù hợp để ứng phó.
Quản lý chất lượng sầu riêng chưa hiệu quả. Năng lực kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc còn yếu, thiếu đồng bộ và không theo kịp tốc độ tăng trưởng nóng. Năng lực thử nghiệm hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, tốc độ và độ đại diện của mẫu, gây ùn tắc cục bộ dẫn tới tình trạng chậm trễ và rủi ro bị trả hàng.
Hiện nay, Việt Nam chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm trong việc cấp và sử dụng mã số vùng trồng (MSVT), cơ sở đóng gói (CSĐG), chủ yếu vẫn dựa vào thỏa thuận song phương với nước nhập khẩu nên chưa đủ sức răn đe. Hệ quả là tình trạng giả mạo, mượn mã số, sử dụng mã số sai mục đích vẫn diễn ra, làm gia tăng rủi ro bị trả hàng, đình chỉ xuất khẩu và suy giảm uy tín quốc gia. Trong khi đó, các nước như Thái Lan đã ban hành quy định pháp lý rõ ràng, chế tài nghiêm khắc, xử phạt nặng và đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp vi phạm.
Sự vào cuộc của địa phương chưa rõ nét. Hiện nay, nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực, cả về nhân lực và kinh phí thực hiện việc kiểm tra, giám sát vùng trồng; mỗi tỉnh chỉ có khoảng 2-3 cán bộ phụ trách, lại kiêm nhiệm nhiều công việc, dẫn đến quá tải, thiếu chuyên sâu và phản ứng chậm với yêu cầu thay đổi từ phía nước nhập khẩu.
Nhận thức và trách nhiệm của vùng trồng, doanh nghiệp còn hạn chế. Việc duy trì điều kiện kỹ thuật của mã số vùng trồng (MSVT) và cơ sở đóng gói (CSĐG) sau khi được cấp vẫn mang tính hình thức, thiếu tự giác và chưa đồng bộ. Nhiều vùng trồng, CSĐG chủ yếu hoạt động theo kiểu đối phó, chưa thực hiện duy trì thường xuyên các điều kiện kỹ thuật bắt buộc, không đáp ứng được quy trình sơ chế - đóng gói theo yêu cầu.
![]() |
Các đại biểu, chuyên gia phát biểu tại hội nghị |
Công nghệ bảo quản và chế biến sầu riêng hiện còn đơn giản, thiếu đồng bộ, chủ yếu phục vụ xuất khẩu dưới dạng tươi hoặc cấp đông. Bảo quản phổ biến là kho lạnh hoặc cấp đông nhanh bằng nitơ lỏng/máy ICE COOL, giúp giữ chất lượng nhưng chi phí cao, chưa phổ biến rộng rãi. Trong khi đó, chế biến sâu gần như chưa phát triển; các sản phẩm như sầu riêng sấy, bột, bánh kẹo còn ít, chủ yếu phục vụ nội địa. Ngành hàng sầu riêng vẫn lệ thuộc lớn vào xuất khẩu nguyên liệu thô, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường chế biến giá trị gia tăng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong thập kỷ qua nhưng ngành đang phải đối mặt, như việc mở rộng diện tích với năng lực kiểm soát chất lượng, giữa kỳ vọng thị trường và khả năng tổ chức chuỗi cung ứng hiệu quả. Như vậy, nếu không sớm tái cơ cấu và nâng cao năng lực kiểm soát toàn chuỗi, ngành hàng sầu riêng có nguy cơ mất thị phần, đánh mất lòng tin của khách hàng quốc tế và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam nói chung.
Từ lý do trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương và doanh nghiệp cần tập trung hoàn thiện thể chế và cơ sở pháp lý phục vụ kiểm soát chất lượng toàn chuỗi; đầu tư nâng cao năng lực kiểm nghiệm-kiểm dịch-truy xuất nguồn gốc đạt chuẩn quốc tế; phát triển hệ sinh thái logistics và chế biến sâu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẳng định vai trò và sự quan trọng của dự thảo Thông tư về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, công cụ quan trọng giúp minh bạch chuỗi cung ứng, tạo nền tảng cho xuất khẩu chính ngạch, từ đó nâng cao vị thế sầu riêng Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới./.