Với 20 HTX hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, tiểu thủ công nghiệp, Gò Công Tây đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 8.431 thành viên - Ảnh minh họa. |
Huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đang nổi lên như một điểm sáng trong phát triển kinh tế tập thể (KTTT). Sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương đã giúp các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn hoạt động hiệu quả, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Với 20 HTX hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, tiểu thủ công nghiệp, Gò Công Tây đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 8.431 thành viên. Các HTX không ngừng nâng cao năng lực quản trị, chú trọng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.
Các HTX trên địa bàn Gò Công Tây đạt doanh thu bình quân 6,849 tỷ đồng/năm, tăng 10,25% so với năm 2023. Lợi nhuận trung bình đạt 291 triệu đồng/HTX. Đặc biệt, các HTX nông nghiệp chiếm số lượng lớn với 17 HTX, doanh thu tăng 9,75% so với năm trước.
Mô hình "Cánh đồng lớn" được triển khai hiệu quả tại nhiều HTX, giúp nông dân tăng lợi nhuận từ 2,4 - 3,4 triệu đồng/ha. Các HTX rau màu cũng liên kết với siêu thị, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân.
Huyện Gò Công Tây đã đầu tư 5,08 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các HTX, trong đó có các thiết bị hiện đại như máy bay không người lái, máy gặt đập liên hợp. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng nông sản.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng các HTX trên địa bàn huyện vẫn còn gặp một số khó khăn như tiếp cận vốn, biến động giá cả thị trường, hạn chế về năng lực quản lý.
Trong thời gian tới, Gò Công Tây sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các HTX phát triển. Huyện đặt mục tiêu thành lập mới 1 HTX, tăng doanh thu bình quân HTX lên 7,539 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 311 triệu đồng/HTX.
Địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, mở rộng dự án "Canh tác thông minh", "Vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao". Đồng thời, tăng cường đào tạo nhân lực, triển khai thêm 5 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Gò Công Tây đã thành công trong việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới, góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương. Kinh nghiệm của Gò Công Tây là bài học quý báu cho các địa phương khác trong việc phát triển KTTT.