![]() |
Kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần tăng hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp |
Kinh tế tập thể (KTTT), đặc biệt là Hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông. Trong những năm qua, KTTT và HTX đã có những bước tiến đáng kể, góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, KTTT và HTX vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Năng lực nội tại còn yếu, quy mô nhỏ, thiếu liên kết, công nghệ lạc hậu và nguồn lực hạn chế là những rào cản cần vượt qua.
Theo báo cáo, năm 2024 số lượng tổ hợp tác THT nông nghiệp đạt 178 Tổ hợp tác, thể hiện sự quan tâm của người dân đối với mô hình liên kết sản xuất nhỏ lẻ. Tuy nhiên, doanh thu bình quân 230 triệu đồng/THT/năm và lợi nhuận 75 triệu đồng/THT/năm cho thấy hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Thu nhập bình quân của tổ viên (45 triệu đồng/người/năm) và lao động thường xuyên (40 triệu đồng/người/năm) chưa thực sự hấp dẫn, do đó cần có giải pháp để nâng cao thu nhập cho người lao động, bên cạnh đó mô hình này khó tiếp cận vốn và công nghệ do không có tư cách pháp nhân.
Đối với mô hình HTX Nông nghiệp có tổng số 259 HTX, cho thấy sự phát triển của mô hình này. Tuy nhiên, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả chỉ đạt 33% là một con số đáng báo động. Số lượng HTX tạm ngưng hoạt động lên tới 68 HTX thể hiện nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, bên cạnh đó các hạn chế của loại hình này như quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực cạnh tranh yếu, thiếu liên kết với thị trường, chất lượng đội ngũ cán bộ còn hạn chế, ảnh hưởng đến quản lý và điều hành.
Về mô hình liên hiệp HTX tại Đắk Nông còn quá ít (3 Liên hiệp) so với tiềm năng. Vai trò của Liên hiệp trong việc hỗ trợ các HTX thành viên chưa được thể hiện.
Để tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của KTTT và HTX, đồng thời giải quyết những tồn tại, hạn chế, việc xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2025 là vô cùng cần thiết. Kế hoạch được xây dựng dựa trên Kế hoạch phát triển KTTT 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Đắk Nông với định hướng phát triển KTTT, HTX đa dạng về hình thức, ưu tiên mô hình gắn với chuỗi giá trị, tăng cường liên kết với các thành phần kinh tế khác. Khuyến khích phát triển các tổ chức KTTT đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động. Hỗ trợ các mô hình HTX hoạt động hiệu quả để nhân rộng, từ đó để đạt mục tiêu phát triển KTTT, HTX năng động, hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Thu hút đông đảo nông dân tham gia HTX và huy động các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX.
Cụ thể sẽ phấn đầu thành lập mới 10-15 Tổ hợp tác (THT) và 15-20 HTX nông nghiệp, nâng cao tỷ lệ cán bộ quản lý HTX đạt trình độ chuyên môn, nâng cao số lượng HTX hoạt động hiệu quả, hỗ trợ các HTX đạt chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn, xây dựng mô hình HTX điểm, điển hình, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, rà soát, củng cố và nâng cao hoạt động của các HTX, xử lý các HTX ngừng hoạt động.
Để triển khai hiệu quả kế hoạch, UBND tỉnh Đắk Nông đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban ngành liên quan. Trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Là cơ quan đầu mối triển khai Kế hoạch, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện chính sách phát triển HTX. Tham mưu bố trí nguồn vốn hỗ trợ, cân đối kinh phí cho các chương trình, dự án hỗ trợ.
Các Sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố Gia nghĩa chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về KTTT, HTX. Củng cố, phát triển HTX, THT thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Kế hoạch này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông./.