![]() |
Ông Nguyễn Hồng Phương đang thăm cánh đồng lúa |
Làm kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX
Sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất quê hương thuộc xã Long Thạnh, gia đình ông Nguyễn Hồng Phương nhiều đời gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Sau nhiều năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, “dầm sương dãi nắng”, “đầu tắt mặt tối” trên cánh đồng rất vất vả quanh năm nhưng lợi nhuận thu được từ cây lúa cứ bấp bênh mãi và không được ổn định, ông thấy rằng cây lúa luôn phải “cõng” trên lưng những gánh “nặng” của: giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu, đầu ra của sản phẩm, được mùa mất giá,…khiến đời sống gia đình luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau, bữa no bữa đói.
Cũng như bao gia đình khác ở địa phương, từ bao đời nay, vẫn còn giữ thói quen tư duy canh tác cũ, nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm nên chẳng thể “khá” lên được ngay trên chính mảnh ruộng của mình. Phải làm sao để vươn lên thoát khỏi cái đói, cái nghèo đây? Để thoát khỏi “cái đói, cái nghèo”, ông miệt mài “tầm sư học đạo” học hỏi kinh nghiệm ở các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong và ngoài địa bàn; tham gia các buổi tập huấn do Hội nông dân xã, huyện tổ chức; đọc sách, báo để mở rộng sự hiểu biết của mình trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn,…
Sau nhiều đêm trăn trở tìm lối ra trong sản xuất, ông nhận ra rằng muốn thoát khỏi “đói nghèo”, muốn kinh tế gia đình phát triển ổn định thì giải pháp tối ưu nhất đó là làm kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX. Bởi các thành viên tham gia HTX sẽ phát huy tối đa trí tuệ, năng lực và tinh thần đoàn kết “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” của các thành viên. Mọi người cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi sẽ tạo nên một vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn với chuỗi liên kết sản xuất hoàn chỉnh tạo thành một vòng khép kín, thuận lợi cho việc áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất chế biến sản phẩm. Từ đó nâng cao số lượng, chất lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường, giúp khắc phục những khó khăn, hạn chế, thiếu sót mà mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ gặp phải.
Góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản và cải thiện, nâng cao đời sống mọi mặt cho người lao động, giảm sự phân hóa giàu nghèo, làm giàu trên chính thuở ruộng của mình, đưa sản xuất nông nghiệp ngày càng “khởi sắc”. Sau một thời gian kiên trì thuyết phục, động viên người dân trên địa bàn tham gia Hợp tác xã (HTX) năm 2015, HTX Đường Gỗ Lộ ra đời với 54 thành viên, 78 ha lúa chuyên canh 02 vụ chủ yếu giống lúa Jasmine 85, cùng với số vốn điều lệ ít ỏi 51 triệu đồng, vốn sản xuất kinh doanh 92 triệu đồng. Ban đầu tuy còn khó khăn, nhưng ai cũng phấn khởi tin vào sự đổi thay và một ngày mai tươi sáng.
![]() |
Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Đường Gỗ Lộ (người đứng thứ 4, từ trái qua) giới thiệu mô hình trồng lúa với đoàn tham quan trong và ngoài tỉnh. |
Điểm sáng của mô hình kinh tế tập thể
Với vai trò “người đứng mũi chịu sào” nơi “đầu sóng, ngọn gió”, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nguyễn Hồng Phương không ngừng trăn trở, nghĩ suy để cho con tàu HTX Đường Gỗ Lộ phát triển đúng hướng, đem lại giá trị cao để không phụ lòng mong mỏi, sự tin tưởng của các thành viên HTX đã gửi trọn niềm tin vào mình. Vạn sự khởi đầu nan, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, lòng quyết tâm không mệt mỏi của Hội đồng quản trị và các thành viên HTX đã đưa HTX vượt qua mọi sóng gió, khó khăn ban đầu. Con tàu HTX Đường Gỗ Lộ từng bước phát triển, lớn mạnh sau 8 năm đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Hồng Phương tâm sự, tấm áo cũ đã chật, không còn phù hợp với tình hình thực tế phát triển của HTX và cần phải thay áo mới. Năm 2020, HTX Đường Gỗ Lộ tổ chức hội nghị thành viên lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2023 về việc sáp nhập HTX nông nghiệp Long Tiến II, HTX nông nghiệp Cây Bàng, HTX nông nghiệp Thịnh Phát vào HTX nông nghiệp nông dân Đường Gỗ Lộ, bởi nhiều năm liền chỉ có HTX nông nghiệp nông dân Đường Gỗ Lộ hoạt động có hiệu quả, các HTX còn lại chỉ hoạt động cầm chừng, chưa mang lại hiệu quả thiết thực cũng như chưa đáp ứng được tối đa hóa lợi nhuận trong phục vụ sản xuất cho thành viên HTX.
Sau khi sáp nhập, HTX nông nghiệp Đường Gỗ Lộ có trên 213 thành viên với diện tích sản xuất lúa 2 vụ 448,68 ha và 15 lao động thường xuyên. HTX Đường Gỗ Lộ sản xuất kinh doanh 9 dịch vụ, ngành nghề: bơm tát tưới tiêu nước; làm đất; thu hoạch nông sản; cung ứng lúa giống; bao tiêu sản phẩm nông sản cho thành viên; bao tiêu sản phẩm nông sản cho HTX bạn; bán điện năng lượng mặt trời; liên kết vật tư cho thành viên và phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái.
Sự trưởng thành, phát triển của HTX đã chứng minh tính hiệu quả của kinh tế tập thể đối với người dân và trở thành nơi đáng tin cậy để người dân gửi gắm niềm tin, tham gia phát triển kinh tế gia đình, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất nông sản, ổn định đầu ra sản phẩm, làm giàu chính đáng. Chỉ riêng quy trình canh tác lúa thông minh, bơm tát nước, xuống giống, thu hoạch tập trung của HTX đã giúp người dân giảm từ 20kg lúa giống/công xuống còn 10kg, vừa tiết kiệm giống, phân bón, công sức mà sâu bệnh lại ít, kéo theo chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm. Tính cả quy trình sản xuất lúa của hợp tác xã, bà con có thể tiết giảm chi phí từ 3 - 4 triệu đồng/ha.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị, cơ cấu giống chủ yếu của HTX có 03 loại giống chất lượng cao: DS1, Đài Thơm 8, Jasmine 85, trong đó, giống lúa Nhật (DS1) đưa vào sản xuất trọng tâm bởi ít sâu bệnh hại, năng xuất cao và thị trường tiêu thụ ổn định, lợi nhuận lại gấp 1,5 lần so với các giống lúa khác đã nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX, đưa diện tích sản xuất giống DS1 của HTX đạt gần 200 ha.
Năm 2022, HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty Lộc Trời cho các HTX và tổ hợp tác trong huyện Giồng Riềng 1.430 ha lúa; 26 thành viên HTX đăng ký sản xuất lúa sạch với diện tích 50,01 ha và đã được cấp giấy chứng nhận VIETGAP. Với chi phí chi phí sản xuất trung bình 17 triệu đồng/ha, năng suất bình quân 10-12 tấn/ha, lợi nhuận trung bình 71 triệu đồng/ha. Người nông dân không phải rơi vào điệp khúc được mùa, mất giá như các năm đã qua, thành viên HTX và người dân lân cận rất phấn khởi vui mừng vì vụ mùa bội thu, được mùa, được giá.
Từ năm 2023 đến nay, HTX hợp tác với doanh nghiệp Tuyết Trinh, huyện Thới Lai, thành Phố Cần Thơ, bao tiêu sản phẩm diện tích 160 ha lúa Đài Thơm 8 và OM 18; ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty Tập đoàn Lộc Trời 1.430 ha lúa; hợp đồng với doanh nghiệp Huy Quang Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, bao tiêu 85 ha lúa DS1. Năm 2023, HTX tham gia cuộc thi mỗi phường xã một sản phẩm do Uỷ ban nhân dân huyện Giồng Riềng tổ chức với sản phẩm gạo DS1 đã đạt OCOP 3 Sao.
Ông Nguyễn Hồng Phương, xác định định hướng phát triển của HTX trong thời gian tới đó là đưa sản phẩm gạo DS đến với người tiêu dùng; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ của HTX; phát triển thương hiệu và mở rộng quy mô HTX lên tầm cao mới.
Với những cống hiến không mệt mỏi vì sự phát triển của HTX, ông Nguyễn Hồng Phương nhiều năm liền đạt danh hiệu: Người sản xuất nông nghiệp giỏi cấp huyện; nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Ông cũng vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn; giấy khen của Cục Trưởng cục bảo vệ thực vật – bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn; bằng khen của Tỉnh ủy Kiên Giang; bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang; giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng; 06 năm liền HTX đạt danh hiệu đơn vị dẫn đầu khối thi đua nông nghiệp huyện Giồng Riềng. HTX Đường Gỗ Lộ được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2024”.