Sầu riêng trồng theo hữu cơ là giải pháp nuôi dưỡng cây hiệu quả, năng suất và chất lượng trái được nâng cao |
Nằm ở vùng đất Tây Nguyên giàu tài nguyên thiên nhiên, Gia Lai sở hữu những điều kiện lý tưởng để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, khí hậu nhiệt đới ẩm, cùng với sự đa dạng sinh học phong phú, tỉnh này có thể sản xuất ra nhiều loại nông sản hữu cơ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Trong những năm gần đây, Gia Lai đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ. Diện tích canh tác hữu cơ đã tăng lên đáng kể, các sản phẩm hữu cơ của tỉnh đã có mặt trên thị trường trong và ngoài nước. Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng cho người nông dân.
Hiện nay, Gia Lai có khoảng 239.246 ha diện tích các loại cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đối tượng tham gia liên kết gồm 95 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác, trên 23.806 hộ nông dân và trên 69 doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất các loại cây trồng. Đây là điều kiện thuận lợi để Gia Lai phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ, an toàn trong thời gian tới.
Đảng bộ và chính quyền tỉnh Gia Lai đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp hữu cơ. Các chính sách hỗ trợ, các chương trình khuyến khích đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ.
Cụ thể, để phát triển mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 721/QĐ-UBND ngày 27/11/2023 về việc Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 - 2030. Theo đó đến năm 2025, diện tích nhóm đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích đất nông nghiệp; đến năm 2030 diện tích nhóm đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 5% tổng diện tích đất nông nghiệp. Trong đó tập trung vào phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh chủ lực như: cà phê, tiêu, chè, điều , mía, lúa, cây ăn quả, sản phẩm mật ong, thịt gia súc, gia cầm, ...
Tuy nhiên, quá trình phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Gia Lai cũng còn gặp phải một số khó khăn, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai, một trong những khó khăn chính là tỉnh có xuất phát điểm kinh tế khu vực nông thôn thấp, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và Nhân dân còn hạn chế; trình độ sản xuất nông nghiệp chưa cao, khả năng tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn chậm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận người nông dân còn chưa hiểu rõ về lợi ích của nông nghiệp hữu cơ, ngại đầu tư và thay đổi thói quen sản xuất, việc chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ đòi hỏi đầu tư lớn về thời gian, công sức và tài chính, trong khi nhiều hộ nông dân còn gặp khó khăn về kinh tế, hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ còn chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.
Để khắc phục những khó khăn trên, tỉnh Gia Lai đang tập trung vào các nhiều giải pháp thiết thực như tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của nông nghiệp hữu cơ, cấp vốn ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ nông dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, hát triển các mô hình liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để tạo ra chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
Với những nỗ lực không ngừng, Gia Lai đang từng bước khẳng định mình là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam. Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng./.