Theo Bộ NN&PTNT, sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, tính đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai và nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên khắp cả nước.
Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã đạt trên 174.000 ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63.000 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100.000 ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12.000 ha.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới, hơn 17.000 nhà sản xuất, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu nông nghiệp hữu cơ…
Ngày 28/9, Báo Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, tổ chức Diễn đàn "Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến".
Diễn đàn là một trong các hoạt động nhằm đánh giá 3 năm triển khai Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ và triển khai Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030.
Diễn đàn có sự tham gia của gần 200 đại biểu trực tiếp đến từ Bộ NN&PTNT, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, các chuyên gia trong và ngoài nước.
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh chia sẻ: Tiềm năng, thế mạnh để sản xuất sản phẩm lúa hữu cơ của Việt Nam còn rất lớn, nhất là khu vực Tây Bắc và Đồng bằng sông Hồng.
Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều doanh nghiệp, trong đó có Bảo Minh đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA nhưng nhà máy chưa đạt tiêu chuẩn nên vẫn phải mua nguyên liệu hữu cơ với giá cao hơn 60% và bán giá thường.
Trên cơ sở đó, bà Hiếu kiến nghị: Các cơ quan quản lý Nhà nước phải cùng nhau vào cuộc, quy định rõ vùng nguyên liệu tại đâu được hưởng chính sách nào. Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất xây dựng nhà máy; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn "mua nguyên liệu giá hữu cơ, bán sản phẩm giá thường" như hiện nay.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, muốn phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải tìm kiếm được thị trường cho sản phẩm hữu cơ.
Hiện nay, thị trường cho sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam ngày càng phát triển vì mức thu nhập của người dân ngày càng tăng lên; từ chỗ lo đủ ăn đã chuyển thành ăn ngon, tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, qua khảo sát, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn sử dụng các sản phẩm theo tiêu chí: Sản phẩm bắt mắt, ngon, hợp khẩu vị (87%); sản phẩm an toàn (80%); sản phẩm có bao bì ghi thông tin rõ ràng (39%); sản phẩm hữu cơ (26%). Như vậy có thể thấy, sản phẩm hữu cơ vẫn chiếm tỉ lệ thấp trong bức tranh tiêu dùng.
Theo bà Hạnh, hiện nay còn rất nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về định nghĩa "hữu cơ". Do đó, cần đưa ra một định nghĩa đơn giản, rõ ràng về mô hình sản xuất hữu cơ là cách sản xuất bảo đảm nguyên tắc 6 không: Không phân bón vô cơ; không thuốc bảo vệ thực vật; không thuốc diệt cỏ; không dùng giống biến đổi gien; không dùng thuốc kích thích tăng trưởng; không có hóa chất trong đất và nước.
Về thị trường xuất khẩu, hiện nay, nông sản hữu cơ của Việt Nam đến được nhiều nhất là thị trường châu Âu. Theo thống kê chính thức của EU, doanh số bán lẻ của nông sản ở thị trường EU đạt 45 tỷ euro. Đức là thị trường lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ hai thế giới với 11,97 tỷ euro doanh thu bán lẻ. Thị trường hữu cơ châu Âu ghi nhận tốc độ tăng trưởng 8,0%. Mức tăng trưởng cao nhất được quan sát thấy ở Pháp (13,4%).
Trong thập kỷ 2010-2019, giá trị thị trường hữu cơ của Liên minh châu Âu đã tăng hơn gấp đôi. Từ đó có thể thấy, cơ hội cho sản phẩm hữu cơ vẫn còn rất rộng mở. Do đó, cần giao cho sự giám sát cho xã hội, nghĩa là mỗi người cần đề cao trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn sự vi phạm. Ngoài ra, công tác truyền thông, thông tin sát thực, kiên trì để mọi người phân biệt được trước nhất là sản phẩm an toàn, sạch và hữu cơ khác nhau thế nào, cần cho ai, như thế nào.
TS. Ngô Kiều Oanh, chuyên gia nông nghiệp, Trang trại Đồng quê Ba Vì cho rằng, các sản phẩm sinh thái được thiên nhiên ban tặng là thế mạnh của Việt Nam. Như vậy, điều quan trọng là cần chế biến thế nào để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, bà Oanh đề xuất cần tăng cường năng lực, tư duy cho chính quyền địa phương, chuyển đổi tư duy từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ; cần quy hoạch với sự tham gia của các nhà khoa học (xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, mạng lưới thủy văn, thảm thực vật) để quy hoạch trồng trọt; cần số liệu điều tra từ địa phương để phân loại các loại cây trồng phù hợp.
Theo bà Oanh, trong thời gian chuyển đổi cần quỹ tín dụng đặc biệt không thế chấp. Song song với quỹ này cần có hai điều kiện để nông dân, hợp tác xã hoạt động được là quỹ tín dụng vi mô và bảo hiểm. Bên cạnh đó, cần thành lập liên minh các nhà sản xuất hữu cơ để giáo dục lẫn nhau, tập hợp, đặt nhiệm vụ cung cấp sản phẩm đa dạng, số lượng và liên tục, mở rộng cung cấp sản phẩm theo chuỗi và làm truyền thông.
Ông Mike Tran, Giám đốc Công nghệ Công ty TNHH
Medifood.Io
cho rằng, một trong những hạn chế lớn và ít được chú ý trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ là không khống chế được sâu bệnh do chi phí sử dụng thuốc trừ sâu sinh học rất cao.
Do đó, công ty của ông Mike Tran cùng nhiều doanh nghiệp đang tích cực nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc trừ sâu dùng trong canh tác hữu cơ có giá thành rẻ và phù hợp với điều kiện sản xuất tại Việt Nam.
Thuốc trừ sâu sinh học là chế phẩm có nguồn gốc sinh học như nấm, vi khuẩn, chiết xuất chất độc từ nấm, virus. Và là yếu tố chính làm cho thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ.
Theo ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail, thực tế cho thấy đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ tiêu dùng, sản xuất sản phẩm thông thường sang sản phẩm sạch, hữu cơ và tốt cho sức khỏe.
Về tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đây là một xu thế tiêu dùng tất yếu. Trước tiên với sự phát triển của Việt Nam, sự gia tăng dân số nhanh chóng với nhóm tuổi từ 15 đến 40 ngày càng mở rộng (khoảng 40 triệu người) đang ngày càng nhạy cảm với các sản phẩm tốt cho sức khỏe và sẵn sàng chi tiêu để có được những sản phẩm này.
Tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ chiếm khoảng 25 triệu người vào năm 2025, chiếm 25% dân số. Tầng lớp này có thể hiểu, và cảm thấy việc tiêu thụ những sản phẩm hữu cơ để sử dụng hàng ngày là một nhu cầu quan trọng.
Ông Pau Le cho biết, với sự thay đổi của hành vi người tiêu dùng thế giới, người nông dân Việt Nam cần tập trung sản xuất tốt, tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ phù hợp với nhu cầu của người dân trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, giá cả của sản phẩm organic sẽ giảm xuống, phù hợp với khả năng của số đông người tiêu dùng.