![]() |
Bảng chỉ dẫn du lịch vào Làng bí đao khổng lồ. |
Mê mẩn vườn bí khổng lồ
Không chỉ là sản phẩm nông nghiệp, Làng bí đao khổng lồ ở thôn Chánh Trạch 2, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ còn mang giá trị văn hóa. Mặc dù, chưa được UBND tỉnh Bình Định công nhận là Làng nghề truyền thống, thế nhưng “Làng bí đao khổng lồ” được xây dựng thành mô hình du lịch làng nghề, bởi tính đặc trưng kỳ lạ vốn có về vùng đất trồng ra quả bí đao nặng 50 đến 60kg, rất thu hút khách du lịch tham quan trải nghiệm và mua quả bí đao khổng lồ về làm quà cho người thân, bạn bè hoặc trưng bày trong nhà.
![]() |
Vườn bí đao khổng lồ độc nhất vô nhị tại Bình Định. |
Trong cái nóng oi ả giữa mùa hè tháng 5, chúng tôi về thăm Làng bí đao khổng lồ đúng vào thời điểm thu hoạch mùa bí đao khổng lồ năm nay. Vui vẻ trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Bá Biên (75 tuổi), là một trong những người trồng bí lâu năm nhất ở làng chia sẻ: Giống bí đao ở đây rất đặc biệt, không giống như các loại bí đao nơi khác. Quả to và nặng, trung bình từ 20 đến 40 kg, có quả nặng 50 kg và quả nhất nặng 60 kg, với giá bán 10.000 đồng/kg. Nghề trồng bí đao ở làng đã tồn tại hơn 100 năm qua, tôi là đời thứ tư trong gia đình giữ nghề trồng bí đao khổng lồ đến nay. Giống bí đao này đem trồng ở nơi khác rất khó ra quả to như mong muốn, nếu có thì nó sẽ bị thối ruột bên trong và không để lâu được.
Người dân thôn Chánh Trạch 2 không ai nhớ rõ nghề trồng bí đao khổng lồ có từ bao giờ, chỉ biết rằng đời ông cha họ đã nối nhau trồng, đến nay đã có nhiều gia đình làm nghề từ 3 đến 4 thế hệ. Mỗi vụ bí chỉ trồng một lần vào khoảng tháng 12 âm lịch năm trước và thu hoạch vào tháng 4–5 năm sau.
![]() |
Ông Lê Bá Biên chăm chút quả bí đao khổng lồ. |
Bí đao được trồng trên giàn, mỗi dây chỉ giữ lại 1–2 quả để đảm bảo dinh dưỡng. Người trồng phải bện dây rơm, căng lưới để đỡ từng quả, theo dõi thường xuyên để tránh quả rơi sập giàn. Giàn bí vì vậy không chỉ là nơi canh tác, mà còn như một tác phẩm nghệ thuật tự nhiên giữa làng quê mộc mạc Mỹ Thọ.
Bí quyết từ nguồn đất và nước
Điều khiến giống bí đao ở đây to đến kỳ lạ chính là vùng đất nằm gần bàu nước lớn, được bồi đắp bởi phù sa từ núi Ô Phi, quanh năm màu mỡ, lại có khí hậu đặc trưng rất thích hợp với giống bí truyền thống. Người dân nơi đây tin rằng, chính long mạch của vùng đất này đã giúp cây bí phát triển vượt trội mà không nơi nào có được.
Bà Nguyễn Thị Y (71 tuổi) cũng là người trồng bí đao lâu năm trong Làng bí đao khổng lồ bày tỏ: Mỗi năm chỉ có một vụ. Sau khi thu hoạch, tôi chọn quả già nhất, đẹp nhất lấy hạt, phơi khô làm giống cho mùa sau. Bí đao ở đây để cả năm cũng không hư, nước bí dùng để thanh nhiệt, giải độc, trị lang ben, hắc lào. Nước bí có vị ngọt thanh mát, còn miếng bí lại bùi thơm ngon đến kỳ lạ. Bí đao chỉ ưa thời tiết có gió nam và gió nồm, riêng thời tiết có gió bấc kéo dài thì bí sẽ bị hư và không đậu quả.
![]() |
Những quả bí đao khổng lồ treo lủng lẳng trên giàn. |
Hiện toàn thôn Chánh Trạch 2 có khoảng 20 hộ chuyên trồng bí đao khổng lồ. Tuy chưa được công nhận là làng nghề truyền thống, nhưng người dân đã chủ động biến cánh đồng bí thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Du khách chỉ cần mua vé tham quan 10.000 đồng/người là có thể vào vườn chụp hình với bí đao khổng lồ, nghe các chủ vườn kể chuyện trồng bí và hái bí cùng nhà nông.
Bí đao khổng lồ là đặc sản có một không hai. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra liên kết tiêu thụ hay nghiên cứu bảo tồn giống bí. Người dân hoàn toàn tự trồng, tự bán, giá cả phụ thuộc vào thị trường và thương lái. Dù gặp khó khăn về đầu ra, song việc gắn sản phẩm nông nghiệp với hoạt động du lịch đã mở ra hướng đi mới.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Y vui vẻ khoe giàn bí khổng lồ. |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định xây dựng Đề án “Thí điểm phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đến năm 2025” tại 4 làng nghề truyền thống tiêu biểu của tỉnh, trong đó có Làng bí đao khổng lồ, kết nối cùng các danh thắng như mũi Vi Rồng, đầm Trà Ổ. Nhờ vậy, lượng khách đến Làng bí đao khổng lồ ngày một đông, mang lại thu nhập cho các hộ dân trồng bí.
Không chỉ trồng và tìm đầu ra tiêu thụ cho bí đao mà người dân Làng bí đao khổng lồ còn mong muốn giống bí này sẽ được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) hoặc đặc sản địa phương và hỗ trợ người dân giữ giống, mở rộng vùng trồng, nâng cao giá trị sản phẩm. Việc bảo tồn nguồn gen, xây dựng thương hiệu “Bí đao khổng lồ Chánh Trạch” sẽ là nền tảng để phát triển du lịch bền vững Làng bí đao khổng lồ trong tương lai.