![]() |
UBND huyện Na Rì sát sao trong việc tổ chức thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành trong thời gian qua nhằm khuyến khích phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn. |
Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững
Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, hướng tới hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, gắn với sản xuất hàng hóa có giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong nhiệm kỳ 2025-2030, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển những cây, con có giá trị kinh tế cao để nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực; gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cũng như đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Phấn đấu mức tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm, cụ thể: Duy trì tổng sản lượng lương thực có hạt 33.000 tấn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp định hướng, kế hoạch phát triển và nhu cầu của thị trường.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng bình quân mỗi năm đạt 3.000 tấn. Trồng rừng đạt 500 ha/năm và khai thác gỗ rừng trồng hằng năm đạt 100% kế hoạch tỉnh giao. Duy trì và phát triển từ 02 làng nghề trở lên. Khuyến khích phát triển nông lâm nghiệp gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm (OCOP) hình thành từ 10 chuỗi giá trị trở lên. Duy trì và phấn đấu có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới (thuộc các xã ĐBKK không nằm trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn NTM).
Tập trung phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất giai đoạn 2021-2025 đã thúc đẩy nền kinh tế của huyện; khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế tài nguyên đất đai, khí hậu, nguồn nước sạch, đa dạng sinh học.
Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành; mở rộng liên kết sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao và đổi mới quan hệ sản xuất, kinh doanh để nâng cao chuỗi giá trị, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản giai đoạn 2021- 2025.
![]() |
Bà Triệu Thị Phong, (thôn Thanh Sơn, xã Sơn Thành, huyện Na Rì) đang thu hoạch củ dong riềng, nguyên liệu chính để làm miến dong. |
Tạo cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp
Để thực hiện tốt về tập trung phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất, chính quyền huyện Na Rì đã sát sao trong việc tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành để khuyến khích phát triển sản xuất nông lâm nghiệp.
Theo dõi, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu đạt mục tiêu đại hội đã đề ra
Phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các Kế hoạch, Đề án nông nghiệp; rà soát, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng, phát triển cơ cấu sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường để có giải pháp chỉ đạo; chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả. Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực như sau:
Về trồng trọt: Tiếp tục rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường như sản xuất Dong riềng hữu cơ, thâm canh và cải tạo trồng bổ sung diện tích cây ăn quả và xây dựng mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao;.. mở rộng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật. Tăng cường công tác dự báo, kiểm soát và phòng chống dịch bệnh cây trồng; thực hiện các giải pháp đồng bộ quản lý vật tư đầu vào, đặc biệt là giống cây trồng và phân bón.
Về chăn nuôi: Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh lở mồm long móng,… thực hiện tốt các biện pháp phun khử trùng, tiêu độc không để tái bùng phát dịch. Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát dịch bệnh, chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi tại các địa phương; duy trì và phát triển sản xuất để đảm bảo theo kế chăn nuôi. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân chăn nuôi theo hướng tập trung tại các trang trại, giảm dần việc chăn nuôi nhỏ lẻ tại nông hộ; chăn nuôi an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh,…
Về lâm nghiệp: Tổ chức triển khai kế hoạch trồng và khai thác gỗ kịp thời, phù hợp với thực tế của từng địa phương, chuẩn bị tốt các điều kiện cho công tác trồng rừng hằng năm. Tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa nghề rừng, tạo liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, HTX để trồng rừng và lâm sản ngoài gỗ; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.
Về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM; tiếp tục rà soát, đề xuất điều chỉnh kế hoạch thực hiện Chương trình, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, phân bổ vốn kịp thời, đúng quy định và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn thực hiện Chương trình.