Nhiều mô hình trồng rau hữu cơ tại Hà Nội đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao - Ảnh minh họa. |
Sản xuất rau hữu cơ tại Hà Nội đang dần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng với nhiều mô hình hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho nông dân và góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để rau hữu cơ thực sự phát triển, cần có sự chung tay góp sức từ nhiều phía. Nhiều mô hình trồng rau hữu cơ tại Hà Nội đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao như mô hình tại xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), Cuối Quý (huyện Đan Phượng) và trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất). Rau hữu cơ được tiêu thụ ổn định qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích và các điểm bán hàng trên địa bàn thành phố với giá bán buôn tương đối cao.
Nhờ ứng dụng công nghệ và kiểm soát chặt chẽ quy trình, rau hữu cơ của nhiều hợp tác xã đạt chất lượng cao, được các điểm bán hàng tin tưởng hợp tác. Một số hợp tác xã cung cấp gần 1.000 tấn rau, củ, quả mỗi năm, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, sản xuất rau hữu cơ vẫn còn một số khó khăn như: chi phí đầu tư cao, quy trình sản xuất khắt khe, yêu cầu kiến thức kỹ thuật cao... Để thúc đẩy phát triển rau hữu cơ, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích rau hữu cơ toàn thành phố đạt 515ha, trong đó 138ha được chứng nhận.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố cần tập trung vào các giải pháp: Đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao; tăng cường tập huấn kỹ thuật cho nông dân; hỗ trợ về vốn, đất đai, xây dựng thương hiệu cho các chủ thể sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ.
Rau hữu cơ không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Với sự quan tâm đầu tư đúng mức, rau hữu cơ Hà Nội hoàn toàn có thể vươn tới các thị trường tiềm năng trong nước và quốc tế.