Trên thế giới, tăng trưởng xanh nói chung, nông nghiệp xanh nói riêng đã dần trở thành xu hướng chủ đạo. Trong bối cảnh đó, nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển nông nghiệp xanh đã được ban hành, như: Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định, vai trò của nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế, trong đó phát triển nông nghiệp gắn với nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, gắn với nhu cầu thị trường.
Quyết định số 885/QĐ-TTg, ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Nông nghiệp xanh gắn liền với phát triển nông nghiệp hữu cơ
Sản xuất hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng tất yếu của nông nghiệp thế giới. Không đứng ngoài cuộc, ngành nông nghiệp Việt Nam đã từng bước đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, coi đây là hướng đi bền vững góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất... tiến tới đưa nông sản nước ta chiếm lĩnh những thị trường lớn, giàu tiềm năng.
Một trong những cách thức canh tác của nông nghiệp xanh chính là sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cũng đã và đang được phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm nay.
Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Áp dụng các quy trình sản xuất thân thiện môi trường, bảo vệ cảnh quan; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư và tài nguyên đầu vào, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, sức khỏe con người; tôn trọng và vận dụng các quy luật tự nhiên để phát triển nông nghiệp thuận thiên, đa dạng.
Chuyển từ ngành sản xuất nông nghiệp sang phát triển nền kinh tế nông nghiệp. Từ phạm vi sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản sang tích hợp sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị.
Phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị, chất lượng, khả năng thích nghi, hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất... Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, ứng dụng công nghệ số,...
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái và công bằng xã hội, thích ứng biến đổi khí hậu...; bảo vệ quyền lợi, chính đáng của người sản xuất và kinh doanh, đảm bảo công bằng cho người sản xuất nhỏ, các đối tượng yếu thế. Phát triển thị trường xuất khẩu đi đối với thị trường nội địa.
Gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, giữa các địa phương thông qua phát triển các “Cụm ngành”, giữa chuỗi giá trị trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu; giữa kinh tế nông thôn và kinh tế đô thị, hộ nông dân với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài...
Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững
Rõ ràng, sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường đem lại lợi ích kép cho người nông dân và người tiêu dùng, phương pháp này không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn đến tay người sử dụng, mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Bên cạnh đó, việc sản xuất theo hướng an toàn cũng là giải pháp giúp các ngành chức năng thuận lợi trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm bán trên thị trường...
Lợi ích rõ ràng là thế nhưng việc mở rộng và thúc đẩy các mô hình nông nghiệp xanh còn gặp phải không ít rào cản xuất phát từ những nguyên nhân như: trình độ, năng lực tiếp cận khoa học, công nghệ còn nhiều hạn chế; nông dân vẫn sản xuất theo thói quen, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nguy hại; cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất an toàn đầu tư còn chắp vá, chưa đồng bộ nên chưa thu hút được doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp sạch,...
Tạo điều kiện để nông dân mở rộng, đổi mới công nghệ, liên kết trong sản xuất - tiêu thụ với doanh nghiệp bảo đảm nguồn nguyên liệu và kiểm soát được chất lượng thành phẩm. |
Do đó, để duy trì và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, cần tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, tuyên truyền tập huấn cho người nông dân cách sử dụng phân bón hữu cơ thông qua việc tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp kết hợp chế phẩm sinh học thay thế phân bón vô cơ. Tuyên truyền lợi ích của việc sản xuất nông nghiệp sạch: giúp giảm chi phí sản xuất, tạo ra nhiều loại nông sản sạch có giá trị cao, tăng hiệu quả kinh tế,...
Hai là, xây dựng và hoàn thiện các chính sách quản lý, sử dụng tài nguyên theo hướng thân thiện môi trường, tập trung vào 2 ngành có lượng thải các bon lớn là chăn nuôi và trồng lúa để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp
Ba là, đầu tư chuyên sâu cho các khu vực nông nghiệp hàng hoá theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, tập trung vào các vùng chuyên canh theo nhóm cây trồng chủ lực nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất xanh, thân thiện môi trường.
Bốn là, tạo điều kiện để nông dân mở rộng, đổi mới công nghệ, liên kết trong sản xuất - tiêu thụ với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm an toàn, bảo đảm nguồn nguyên liệu và kiểm soát được chất lượng thành phẩm; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; xây dựng mô hình sản xuất, chế biến nông sản an toàn theo quy trình.
Năm là, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho vùng sản xuất tập trung, đồng thời, hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Khuyến nông của địa phương để nông dân đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm tạo ra nguồn thực phẩm sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cung cấp cho người tiêu dùng. Đồng thời, kết hợp phát triển đa dạng loại hình thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái nông nghiệp…