Phân bón là yếu tố quan trọng trong sản xuất lương thực toàn cầu, đóng góp 40-60% sản lượng - Ảnh minh họa. |
Việc áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% đối với phân bón, dự kiến được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, khóa XV, đang thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận. Đây là một đề xuất mang tính chiến lược, với mục tiêu tạo ra bước đột phá cho ngành nông nghiệp Việt Nam, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân.
Phân bón là yếu tố quan trọng trong sản xuất lương thực toàn cầu, đóng góp 40-60% sản lượng. Tại Việt Nam, nhu cầu phân bón hàng năm rất lớn, khoảng 10,5 - 11 triệu tấn. Điều này dẫn đến kim ngạch nhập khẩu phân bón luôn ở mức cao, từ 1 - 1,6 tỷ USD mỗi năm. Hiện nay, phân bón đang được hưởng chính sách không chịu thuế VAT theo Luật Thuế 71/2014/QH13. Tuy nhiên, chính sách này đã bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành. Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ thuế VAT đầu vào, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, lợi nhuận giảm sút, khó khăn trong việc đầu tư công nghệ mới, sản xuất phân bón chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Mặt khác, phân bón nhập khẩu không chịu thuế VAT tạo lợi thế cạnh tranh về giá, gây khó khăn cho doanh nghiệp nội địa.
Chính vì vậy, việc áp dụng thuế VAT 5% đối với phân bón được kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập nêu trên. Nhà nước sẽ tăng thu ngân sách, từ đó có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ nông dân. Đồng thời, việc này cũng góp phần giảm nhập siêu phân bón, thúc đẩy sản xuất trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp sản xuất phân bón, việc được khấu trừ thuế VAT đầu vào sẽ giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tạo động lực đầu tư công nghệ, sản xuất các loại phân bón thế hệ mới, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý nhất chính là lợi ích của người nông dân. Trong ngắn hạn, giá phân bón có thể tăng nhẹ do chịu thêm thuế VAT. Nhưng về lâu dài, người nông dân sẽ được hưởng lợi từ chính sách này. Doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất sẽ góp phần giảm giá thành phân bón. Người nông dân sẽ được tiếp cận với các loại phân bón chất lượng cao, giá cả hợp lý, giúp tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng nông sản, nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, Nhà nước có thêm nguồn thu từ thuế VAT sẽ tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường.
Để chính sách đạt hiệu quả tối ưu, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý. Cần kiểm soát chặt chẽ thị trường phân bón, ngăn chặn tình trạng găm hàng, đẩy giá bất hợp lý, ảnh hưởng đến người nông dân. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, sản xuất phân bón chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người nông dân hiểu rõ lợi ích dài hạn của chính sách.
Áp dụng thuế VAT 5% đối với phân bón là một quyết định mang tính chiến lược, hướng tới sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Đây là bước đi cần thiết, hài hòa lợi ích của "ba nhà", góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.