![]() |
nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa thể kiểm soát hoàn toàn chất lượng từ khâu sản xuất. (Ảnh minh họa) |
Thời gian qua, xuất khẩu sầu riêng - một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam - đã lao dốc mạnh khi lượng hàng xuất sang Trung Quốc giảm đến 80% trong 2 tháng đầu năm.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu là do Trung Quốc áp dụng biện pháp kiểm soát gắt gao hơn, đặc biệt là xét nghiệm dư lượng Cadimi, chất vàng O. Mỗi lô hàng đều bị kiểm tra 100% trước khi thông quan, yêu cầu phải có kết quả phân tích từ phòng thí nghiệm được Trung Quốc công nhận. Mối lo nằm ở chỗ, nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa thể kiểm soát hoàn toàn chất lượng từ khâu sản xuất (đồng ruộng).
Ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh, chất vàng O không chỉ có trong thuốc nhúng mà có thể tồn dư từ thuốc bảo vệ thực vật. Cơ quan chức năng cần có quy định rõ ràng hơn để kiểm soát hoạt chất trừ nấm và bất kỳ hóa chất nào có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Không chỉ sầu riêng, tình trạng khó kiểm soát trong sản xuất còn ảnh hưởng đến các ngành hàng khác. Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, đề cập tình trạng cà phê giả mà cơ quan chức năng phát hiện thời gian gần đây (chỉ có 10% cà phê hạt, 70% đậu nành và 20% vỏ vụn cà phê). Theo ông, hiện nay tỉnh Đắk Lắk có gần 200 cơ sở chế biến cà phê, nhưng việc kiểm soát chất lượng đầu vào và quy trình sản xuất còn nhiều lỗ hổng. Nếu không siết chặt từ gốc, nguy cơ mất uy tín của cả ngành hàng là rất lớn.
Thế nhưng, một thực tế đáng lo ngại là công tác kiểm tra chất lượng hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào hậu kiểm. Theo ông Nguyễn Văn Hà, hệ thống kiểm nghiệm của Việt Nam còn quá mỏng, dẫn đến tình trạng khi gửi mẫu đi kiểm tra, phải mất nhiều thời gian mới có kết quả, làm chậm trễ quá trình xuất khẩu và tăng chi phí cho doanh nghiệp. Giải pháp đặt ra là cần xây dựng hệ thống kiểm nghiệm ngay tại các vùng sản xuất lớn, để có thể kiểm soát chất lượng từ gốc một cách hiệu quả.
![]() |
Nếu không siết chặt từ gốc, nguy cơ mất uy tín của cả ngành hàng nông sản là rất lớn. Ảnh minh họa. |
Tương tự, xuất khẩu thanh long cũng đang gặp những rào cản nhất định. Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, cho biết, với hơn 10.000ha trồng thanh long ở địa phương này, thị trường EU và Trung Quốc đều yêu cầu rất khắt khe về chất lượng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa sát sao với nông dân, dẫn đến tình trạng sản xuất không đồng bộ, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Một trong những giải pháp quan trọng là doanh nghiệp cần đồng hành sát sao với nông dân trong quá trình canh tác. Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, doanh nghiệp cần trực tiếp xuống đồng ruộng, hướng dẫn và hỗ trợ nông dân thực hiện đúng quy trình canh tác. Do thiếu liên kết với doanh nghiệp nên nhiều nông dân phải phụ thuộc vào các đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến sử dụng sai loại thuốc, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và gây thiệt hại lớn khi bị thị trường xuất khẩu từ chối.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam, trong năm 2024 và 2 tháng đầu năm 2025, EU đã phát đi 130 cảnh báo đối với nông sản và thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Trong đó, cảnh báo về dư lượng hóa chất như thuốc trừ sâu và thuốc thú y chiếm gần 51%. Riêng mặt hàng thanh long nhận 7 cảnh báo về dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép. Do gia tăng số lượng cảnh báo nên EU đã tăng tần suất kiểm tra tại cửa khẩu đối với một số mặt hàng: thanh long (30%), ớt và đậu bắp (50%), sầu riêng (10%).
Muốn nông sản Việt Nam vươn xa, không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của cơ quan quản lý mà cần sự tham gia của toàn bộ chuỗi cung ứng. Ông Ngô Xuân Nam cho rằng, nếu chỉ có một bên nỗ lực, dù là cơ quan quản lý hay doanh nghiệp, thì cũng không đủ. Cần phải đồng thuận của cả hệ thống, từ nông dân, hợp tác xã đến doanh nghiệp và chính quyền địa phương, mới có thể tạo sự thay đổi bền vững.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, phải kiểm soát chặt chẽ, từ vùng nguyên liệu đến chế biến, chúng ta mới có thể duy trì thị phần ở những thị trường khó tính. Yêu cầu này đặc biệt quan trọng với thị trường EU (không chỉ yêu cầu sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà còn phải đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường).
![]() Trung Quốc vừa thông báo áp dụng quy định 100% lô hàng sầu riêng Thái Lan, Việt Nam phải có thêm giấy chứng nhận kiểm ... |
![]() Bộ NN&PTNT cho biết hiện đang triển khai một chương trình giám sát dư lượng hóa chất trên toàn quốc nhằm kiểm soát chất lượng ... |