![]() |
Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định việc Trung Quốc yêu cầu các lô hàng sầu riêng xuất khẩu phải có giấy kiểm định chất vàng O là yêu cầu của thị trường nhập khẩu và Việt Nam phải tuân thủ. Ảnh minh họa |
Vàng O (Auramine O) tên hóa học là Diarylmethane. Đây là chất dùng để tạo màu trong công nghiệp, bị cấm sử dụng trong chăn nuôi, không được dùng để sản xuất, chế biến nông sản, phụ gia thực phẩm. Vàng O là chất độc hại đối với cơ thể sinh vật nói chung và đã bị Tổ chức Ung thư thế giới (IARC) xếp vào chất gây ung thư nhóm 3, tức là có khả năng gây ung thư cao. Chất này đứng hàng thứ 5 trong 116 chất gây ung thư hàng đầu trên thế giới.
Vàng O là chất nhuộm màu dùng trong công nghiệp như nhuộm da, giấy, gỗ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vàng O vào danh mục chất gây ung thư. Còn tại Trung Quốc, chất này bị cấm dùng trong thực phẩm từ năm 2008. Từ ngày 10/1, Trung Quốc thông báo áp dụng quy định các lô hàng sầu riêng Thái Lan, Việt Nam phải có thêm giấy chứng nhận kiểm định chất vàng O. Các phòng xét nghiệm chất vàng O phải được phía Trung Quốc phê duyệt.
Đến ngày 17-1, phía Trung Quốc mới phê duyệt danh sách 7 phòng xét nghiệm của Việt Nam (cùng thời điểm với Thái Lan) nên việc kiểm nghiệm chất vàng O không thể tiến hành trước ngày 17-1. Đồng nghĩa với việc xuất khẩu sầu riêng Việt Nam phải tạm dừng từ ngày 10-1 (hiện các lô hàng đạt chuẩn yêu cầu đã được thông quan).
Đến ngày 26/01, đã có 9 trung tâm, phòng kiểm nghiệm của Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận đủ điều kiện xét nghiệm chất vàng O trong sầu riêng. Các trung tâm kiểm nghiệm vàng O này nằm tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ, Cà Mau. Hiện nay, phía Việt Nam đang hoàn tất thủ tục để đề nghị phía bạn công nhận thêm các phòng xét nghiệm vàng O, nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm chất vàng O của các doanh nghiệp.
9 phòng kiểm nghiệm vàng O được Trung Quốc và Việt Nam công nhận:
1. Trung tâm Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường vùng 1 (51 Lê Lai, Ngô Quyền, TP.Hải Phòng).
2. Trung tâm Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường vùng 2 (167-175 đường Chương Dương, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng).
3. Trung tâm Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường vùng 4 (phòng thử nghiệm 271 Tô Ngọc Vân, phường Linh Đông, TP.Thủ Đức; trụ sở số 91 Hải Thượng Lãn Ông, Phường 10, Quận 5)
4. Trung tâm Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường vùng 5 (57 Phan Ngọc Hiển, Phường 6, Cà Mau).
5. Trung tâm Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường vùng 6 (386C Cách Mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ).
6. Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Hoàn Vũ (phòng thử nghiệm 59 - 65 Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú).
7. Công ty TNHH Công nghệ NHONHO (K2-17 đường Võ Nguyên Giáp, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ).
8. Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (số 65 Phạm Thận Duật, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
9. Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc (7A Lê Văn Hiến, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội).
![]() |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. |
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, việc Trung Quốc yêu cầu các lô hàng sầu riêng xuất khẩu phải có giấy kiểm định chất vàng O là yêu cầu của thị trường nhập khẩu và Việt Nam phải tuân thủ.
Theo ông Tiến, hiện nay diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam khoảng 169.000ha (vượt hơn 2 lần định hướng quy hoạch đến năm 2030 - khoảng 65.000-75.000ha), tỉ lệ sầu riêng cho thu hoạch tương đối cao.
"Trong quá trình xuất khẩu thì đa số những nhà vườn, cơ sở đóng gói, những chuyến hàng sầu riêng Việt Nam đều được khẳng định rất tốt, chất lượng cao. Cũng phải thấy rằng trong quá trình bước đầu xuất khẩu thì cũng sẽ có những cơ sở, doanh nghiệp, những khu vực trồng và cơ sở đóng gói có những trường hợp chệch choạc nhất định, nhưng bộ đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật cùng với các địa phương rà soát, chấn chỉnh một cách nghiêm túc để làm sao vừa có quy mô lớn, vừa tỉ suất hàng hóa cao, vừa giá cả đảm bảo", ông Tiến nói.
Về tình hình kiểm định chất vàng O, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Trung Quốc đã đặt ra những tiêu chí từ mã vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm định chất lượng. Do đó, yêu cầu của thị trường nhập khẩu như thế nào thì chúng ta phải đáp ứng yêu cầu như thế.
"Việc kiểm định chất vàng O sẽ được rà soát, củng cố để làm sao hạn chế một cách tối đa nhất các lô hàng sầu riêng không đạt chuẩn, để tỉ suất hàng hóa, sản lượng và giá trị lớn hơn", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Đối với việc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất vàng O, Thứ trưởng cho biết bộ đã chỉ đạo một cách thường xuyên liên tục khi mà xảy ra những lô hàng có sự cố. Cùng với đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng khẳng định sẽ làm nghiêm túc để chấn chỉnh, hạn chế tối đa doanh nghiệp vi phạm. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam duy trì xuất khẩu sầu riêng.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) trong tháng 1/2025, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 416 triệu USD, giảm 11,3% với tháng trước (tháng 12/2024 đạt 529 triệu USD) và giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2024 (tháng 1/2024 đạt 490 triệu USD).
Nguyên nhân khiến xuất khẩu rau quả sụt giảm là do nhiều nước đã siết chặt kiểm định về chất lượng hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam.
Sầu riêng là mặt hàng rau quả xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 3 tỉ USD, tăng hơn 1 tỉ USD so với năm 2023, trong đó chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc.
Dù xuất khẩu sầu riêng đạt kỷ lục nhưng năm 2024, phía Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra cảnh báo nhiều lô hàng sầu riêng Việt Nam bị nhiễm Cadimi vượt ngưỡng quy định hoặc không tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật.
Hiện nay, sầu riêng Việt Nam muốn xuất khẩu sang Trung Quốc, ngoài việc phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm thì doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận kiểm định dư lượng Cadimi và chất vàng O.
![]() Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có khởi đầu thuận lợi trong năm 2025, với kim ngạch đạt 738,8 triệu ... |
![]() Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện các doanh nghiệp này đã có hành vi sử dụng mã vùng trồng, mã đóng gói của các ... |
![]() Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng sầu riêng nhập khẩu, khiến nhiều lô hàng của Việt Nam bị ách tắc tại cửa khẩu. ... |