Chè cổ thụ Shan tuyết loài chè đặc hữu ở vùng cao. |
Nông nghiệp hữu cơ làm cho đất màu mỡ và giàu chất đạm, giữ gìn các khoáng chất trong đất nhằm bảo vệ chất lượng nước cũng như môi trường tự nhiên. Điểm quan trọng nhất là quy trình nông nghiệp này là làm cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Và cây chè một loại cây quen thuộc có giá trị cao phân bố từ đông bắc, tây bắc đến miền trung Tây nguyên tạo nên lợi thế cho sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương.
Chè Xanh, chè Đen, chè Ô long
Black-Tea Tất cả các loại chè đều được chế biến từ lá và búp của cây Camellia. Loại cây này có thể cao đến 10m, nhưng người trồng chè thường giữ chúng ở độ cao 1m bằng cách cắt tỉa thường xuyên. Cây chè có 2 loại chính: sinensis và asamica. Những búp chè xanh là lá non được chế biến thành chè khô. Chè xanh hay chè đen là do cách chế biến khác nhau. Chè xanh là loại chè có công thức chế biến đơn giản hơn. Để chế biến chè Xanh, người ta hấp hoặc sấy qua ngay sau khi hái về nhằm tránh không cho các búp chè bị oxy hóa, không bị hấp thu oxy vì vậy sẽ ít chát hơn. Sau đó lá chè tiếp tục được sấy khô để cho chúng cuộn vào và tạo thành các búp chè khô như ta thường thấy cũng như để tạo mùi thơm và hương vị đặc trưng của chè xanh.
Để chế biến chè Đen, trước tiên người ta phải sấy cho chè héo còn khoảng 1/3 trọng lượng tươi ban đầu. Sau đó các lá chè được cuộn lại theo một kỹ thuật nhằm để các chất hóa học bên trong phản ứng với nhau và bắt đầu lên men. Trong giai đoạn này, chất polyphenols có trong lá chè có tác động của không khí bắt đầu làm cho lá xanh chuyển sang màu nâu đỏ. Đến cuối công đoạn này, người ta mới sấy khô chè và đóng gói.
Chè Ô long, xét về quy trình chế biến là loại chè ở giữa chè Xanh và chè Đen. Để làm chè Ô long, các lá chè sau khi hái về sẽ được sấy khô trong khoảng 1 giờ. Sau đó tiếp tục sao sấy cho đến khi mép lá chè có màu đỏ. Việc sao sấy sau đó sẽ được tiếp tục nhằm tránh cho lá chè không bị lên men nữa.
Sự khác nhau giữa chè hữu cơ và chè thông thường
Người trồng chè hữu cơ không sử dụng bất kỳ một loại phân hóa học hay thuốc trừ sâu nào cả. Thay vào đó họ dựa vào phân ủ và các loại phân hữu cơ khác nhằm tăng độ phì nhiêu cho đất vườn chè. Để kiểm soát sâu bệnh, họ dùng các chất chiết xuất từ cây xanh hoặc dùng tay để bắt sâu hay cắt tỉa những cành có sâu hại ăn. Ngược lại, người trồng chè thông thường sử dụng rất nhiều phân hóa học ví dụ như phân đạm và các loại thuốc kích thích. Họ có thể phun thuốc trừ sâu 10-15 lần/năm. Nếu nương chè hữu cơ giáp với nương chè trồng thường thì người trồng chè hữu cơ phải tiến hành các biện pháp để ngăn không cho các chất hóa dính bám vào nương chè của họ. Ngoài ra, nương chè hữu cơ phải trải qua quy trình kiểm định và chứng nhận hữu cơ của một tổ chức cấp giấy chứng nhận độc lập. Chè chỉ được chứng nhận là chè hữu cơ sau khi đã trồng theo quy trình hữu cơ ít nhất là 18 tháng/lần.
Tại sao chè hữu cơ đắt hơn chè thường?
Chè hữu cơ đắt hơn chè thường bởi vì canh tác hữu cơ đòi hỏi nhiều công lao động hơn. Chi phí công lao động thì đắt hơn so với chi phí mua thuốc hóa học. Chè hữu cơ cũng dễ bị sâu bệnh hơn và năng xuất vì thế thường thấp hơn năng xuất của chè thường, ít nhất trong 1-2 năm đầu. Ngoài ra, người trồng chè hữu cơ còn phải trả cho chi phí chứng nhận hữu cơ. Sau cùng, vì nhu cầu sử dụng chè hữu cơ hiện nay chưa cao, chi phí vận chuyển và chi phí đảm bảo chất lượng khác vẫn còn khá cao nên người tiêu dùng chưa thật sự hào hứng.
Tác dụng của chè hữu cơ với sức khỏe
organic-tea-3 Cả chè hữu cơ và chè thường đều có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe như chúng ta đã biết. Tuy nhiên chè hữu cơ còn có thêm một số tác dụng khác do người trồng chè không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Hơn nữa chè hữu cơ được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế rất chặt chẽ. Ngược lại chè thông thường có thể còn lưu giữ nhiều dư lượng thuốc hóa học do người trồng chè thông thường không tuân thủ theo bất kỳ một tiêu chuẩn kỹ thuật nào sẽ gây tác hại cho cơ thể.
Chất lượng hữu cơ được đảm bảo như thế nào?
ACT logo Như đã đề cập trên toàn bộ sản phẩm chè hữu cơ phải được một tổ chức độc lập chứng nhận. Mục đích chính của chứng nhận là để đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng rằng các sản phẩm chè đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có hội đồng thẩm định chất lượng hữu cơ, các chứng nhận hữu cơ trên thị trường hiện nay là của các tổ chức nước ngoài, như ACT của Thái Lan.
Các loại sản phẩm từ chè hữu cơ: Chè xanh; Chè hoa ngâu; Chè hoa nhài; Chè hoa cúc; Chè hoa sói. Chè ướp hương được làm bằng cách trộn và ướp một lượng hoa khô thích hợp với chè xanh hữu cơ ở giai đoạn cuối công đoạn chế biến chè. Ngay sau khi quá trình chế biến kết thúc, người ta sẽ tách các cánh hoa khô ra khỏi chè, chỉ để lại hương thơm của hoa. Và mỗi loại chè để lại một hương vị đặc trưng./.