Đồng bào dân tộc Dao đang thu hái chè Shan tuyết. |
Trong những năm qua tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, chú trọng phát triển, nâng cao giá trị sản xuất cây chè bằng các giải pháp như: Thay thế các giống chè cũ cho năng suất, chất lượng thấp theo Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 của HĐND; đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; chuyển đổi công nghệ chế biến theo Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh;… nhiều diện tích đạt từ 120 - 150 triệu đồng/ha/năm; nhiều Hợp tác 3 xã, hộ gia đình chế biến chè có sản phẩm đặc sản giá bán từ 800.000 - 1.500.000 đồng/kg như: Chè Shan tuyết Hồng Thái, chè Shan tuyết Sơn Trang, Chè Shan Kia Tăng, chè xanh Ngọc Thuý đinh, Chè xanh Ngọc Thuý, Chè xanh Tâm Trà,...
Hằng năm, cây chè mang lại giá trị cho các địa phương từ 700-720 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã có 30 sản phẩm chè được xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao (Có 09 sản phẩm xếp hạng 4 sao, 21 sản phẩm xếp hạng 3 sao), trong đó nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng như: Chè Shan tuyết Hồng Thái, Chè xanh Ngọc Thuý đinh, Chè xanh Ngọc Thuý, Trà xanh hữu cơ Trung Long, Chè xanh Tâm Trà, Chè Shan Kia Tăng...
Năm 2021, Chè Shan tuyết Na Hang đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Quyết định số 1167/QĐ-SHTT ngày 23/4/2021. Được công nhận sản phẩm hữu cơ và được bình chọn danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”. Toàn tỉnh có 09 mã số vùng trồng chè (Gồm: 04 mã số của Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm, 03 mã số của Công ty Cổ phần chè Sông Lô, 01 mã số của Tổ hợp tác Hương chè Vĩnh Tân, 01 mã Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái) với diện tích 119 ha và 02 mã số cơ sở đóng gói chè (Gồm: 01 mã số của Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm, 01 mã số của Hợp tác xã Hương chè Vĩnh Tân) đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường EU. Sản phẩm chè của Tuyên Quang được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường các nước khu vực EU, Trung Đông và Châu Á như: Hà Lan, Nga, Đức, Srilanka, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Mỹ, Trung Quốc...
Để có một sản phẩm chè ngon, an toàn và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực sẵn có của địa phương để phát triển cây chè theo hướng an toàn, bền vững và đa dạng hoá về chủng loại, phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái. Để có sản phẩm chè có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới, ngoài việc tăng cường quảng bá sản phẩm, các doanh nghiệp chế biên chè của tỉnh Tuyên Quang không ngừng cải tiến và đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Do có chính sách hỗ trợ của tỉnh và nỗ lực của chính quyền địa phương, đến nay diện tích chè được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn Rainforest, VietGAP, Hữu cơ,... toàn tỉnh đạt 1.246,3 ha (Trong đó: 268,1 ha được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; 63,4 ha được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; 379,5 ha của Công ty Cổ phần chè Mỹ lâm được chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững Rainforest và tiêu chuẩn Halal; 535,2 ha của 02 Công ty Cổ phần chè: Sông Lô và Tân Trào được chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững Rainforest) của hơn 140 tổ chức, cá nhân.
Để tìm hiểu về mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ có hiệu quả trên địa bàn tỉnh hiện nay, chúng tôi đến thăm Hợp tác xã Sơn Trà, huyện Na Hang gặp bà con nông dân đang náo nức đi hái chè Shan Tuyết. Xã Hồng Thái được coi như Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng hay Sa Pa của tỉnh Lào Cai bởi cảnh sắc thơ mộng, khí hậu quanh năm mây mù bao phủ là những điều kiện lý tưởng cho cây chè phát triển, nhất là các giống chè có giá trị kinh tế cao như: chè Shan tuyết, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, nằm ở độ cao từ 900-1400m tạo nên một vùng sinh thái đặc trưng là tiềm năng để phát triển cây chè gắn với quy hoạch xây dựng khu nghỉ mát, du lịch sinh thái. Hợp tác xã có tổng diện tích vùng nguyên liệu chè Shan là 71,5 ha, trong đó: có 29 ha chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có 35 ha chè trồng trên 25 tuổi; 7,5 ha chè trồng mới năm 2023.
Hợp tác xã đã có 03 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP (02 sản phẩm OCOP 4 sao, 01 sản phẩm OCOP 3 sao). Các sản phẩm đã được bán, phân phối ra thị trường trong nước như: Tuyên Quang, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TPHCM và một số tỉnh khác... Trong quá trình hoạt động Hợp tác xã đã đầu tư nghiên cứu thành công cho ra sản phẩm mới như “Lộc Trà” Được người tiêu dùng đánh giá cao, sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận SP đạt OCOP 4 sao. Giá bán chè dao động từ 300 nghìn đến 5 triệu đồng một kg. Hợp tác xã tạo công ăn việc làm cho 20 lao động địa phương. Trong đó: Lao động là thành viên Hợp tác xã: 08 người, lao động mùa vụ 12 người với mức lương 6 triệu đồng/tháng.
Ông Đặng Ngọc Phố- Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Sơn Trà là “ba không”, cây chè Shan tuyết của xã Hồng Thái, huyện Na Hang được thiên nhiên ưu ái không có sâu bệnh, cây sinh trưởng tốt; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không pha chế, ướp hương liệu và không bón phân vô cơ. Sản phẩm đã được Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cấp giấy chứng nhận chè hữu cơ (Organic). Năm 2019, Hợp tác xã Sơn Trà rất vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chọn sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái, Na Hang làm quà tặng Thủ tướng Malaysia.
Với định hướng phát triển đúng đắn cùng chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đã giúp Hợp tác xã Sơn Trà rất nhiều trong việc mở rộng nhà xưởng, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng đủ các tiêu chí để cung cấp cho các đối tác trong và ngoài nước, mở rộng được diện tích vùng nguyên liệu và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân bản địa, đóng góp một phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, chung tay bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.