Những chủ trương mang tính “đột phá”
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định một trong ba khâu đột phá là: "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới". Để thực hiện được khâu đột phá này, Nghị quyết nhấn mạnh một số giải pháp chủ yếu, trong đó: "Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa một cách bền vững. Khuyến khích liên kết tích tụ đất đai, tạo quỹ đất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ".
Tỉnh ủy Tuyên Quang chủ trương khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn hiệu quả, bền vững (ảnh minh họa) |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành các văn bản, cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 Quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. UBND tỉnh ban hành Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 358/QĐ-UBND ngày 08/6/2021 của UBND tỉnh); Phê duyệt kết quả dự án “Điều tra thực trạng sản xuất trồng trọt hữu cơ và nghiên cứu, đề xuất xác định các vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 1017/QĐ-UBND ngày 27/7/2021 của UBND tỉnh); Quy định về canh tác trên vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 18/9/2021 của UBND tỉnh).
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 21/11/2022, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó: "Phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng"; "khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…".
Tỉnh xác định phát triển trồng trọt hữu cơ phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ toàn quốc giai đoạn 2020-2030, Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết đảm bảo chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh.
Theo đó, xác định mục tiêu đến năm 2025: Phát triển sản xuất hữu cơ các loại cây trồng có thế mạnh, phù hợp với địa phương như: Lúa, rau, lạc, cam, bưởi, chè, hồng, na, dược liệu. Kết hợp sản xuất hữu cơ với du lịch, bảo vệ môi trường. Diện tích đất trồng trọt cây trồng hữu cơ tỉnh Tuyên Quang đạt trên 1,5% tổng diện tích đất trồng trọt các cây trồng chính. Nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt hữu cơ, giá trị sản phẩm cao gấp trên 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Đến năm 2030: Diện tích đất trồng trọt hữu cơ tỉnh Tuyên Quang đạt trên 3% tổng diện tích đất trồng trọt các cây trồng chính. Nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt hữu cơ, giá trị sản phẩm cao gấp trên 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Giải pháp và chính sách khuyến khích phát triển NNHC
Để thực hiện chủ trương và các mục tiêu đề ra, tỉnh cũng xác định các nhóm giải pháp để tổ chức thực hiện, gồm: Giải pháp về quy hoạch, bố trí đất đai; phát triển sản xuất các sản phẩm hữu cơ; Giải pháp về tổ chức sản xuất; Giải pháp cơ chế chính sách, phát triển nguồn nhân lực; Nhóm giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; Giải pháp về huy động vốn đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về sản xuất trồng trọt hữu cơ; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Khuyến khích hình thành các tổ nhóm, HTX sản xuất, trồng trọt hữu cơ. Tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ, liên kết với các tổ nhóm, HTX, kết nối cung cầu, sản xuất theo chuỗi từ sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ…
Tỉnh cũng đã bước đầu ban hành thực hiện một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh đối với một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, như:
* Hỗ trợ chuyển đổi sản xuất hữu cơ: Hỗ trợ một lần 70% chi phí cải tạo khu vực sản xuất hữu cơ (cải tạo đất, quản lý nguồn nước, bờ bao vùng cách ly) trong thời gian chuyển đổi: Thời gian hỗ trợ tối đa 18 tháng, mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/dự án; Hỗ trợ một lần 100% chi phí mua chế phẩm sinh học ủ phân hữu cơ trong sản xuất trồng trọt, ủ thức ăn, xử lý môi trường trong chăn nuôi, mức hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/dự án.
* Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: Thực hiện hỗ trợ một lần chi phí chuyển giao, ứng dụng công nghệ và quy trình kỹ thuật được phép áp dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Hỗ trợ một lần 100% chi phí chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/dự án.
* Hỗ trợ 80% lãi suất vốn vay đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, chuồng trại, kho bãi, máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo dư nợ thực tế của hợp đồng vay vốn giữa tổ chức tín dụng với tổ chức, cá nhân. Tổng mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 5,0 tỷ đồng/dự án.
* Hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn: Hỗ trợ một lần 100% chi phí xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ, mua bao bì, in tem, nhãn sản phẩm hữu cơ, mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/dự án; Hỗ trợ một lần 100% chi phí thuê điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm hữu cơ trong và ngoài tỉnh (Trung tâm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu đô thị, du lịch...).
Tuy quy mô và mức độ tác động có khác nhau, song nhìn chung các chính sách nói trên bước đầu có tác dụng khuyến khích, hỗ trợ các HTX, hộ gia đình trong quá trình chuyển đổi sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thương hiệu nông sản hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm NNHC trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang |
Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Tuyên Quang, tháng 5/2022, UBND tỉnh Tuyên Quang và Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2022-2025 và điều chỉnh, bổ sung để triển khai thực hiện đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu hướng đến nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tạo điều kiện thuận lợi để các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) tăng cường hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giúp người dân nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản thông qua mở rộng phát triển nông nghiệp hữu cơ.