Mô hình trồng chè Ô long theo hướng hữu cơ tại tỉnh Lâm Đồng |
Theo Quyết định số 2666/QĐ-UBND ngày 20/11/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai với sự tham gia của các cấp, các ngành có liên quan từ trung ương đến địa phương và sự điều hành, chủ trì của lãnh đạo UBND tỉnh.
Sau 3 năm triển khai thực hiện đề án, diện tích đất trồng trọt đạt chứng nhận hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng tăng 1.298,34 ha; diện tích đồng cỏ chăn nuôi tăng 70 ha, số lượng bò sữa đạt chứng nhận hữu cơ tăng 505 con, riêng bò thịt là 38 con; đưa tổng diện tích phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh đạt 98,69%.
Sở Nông nghiệp & PTNT Lâm Đồng đã triển khai kịp thời, đảm bảo tiến độ các nội dung của đề án, giúp thay đổi cơ bản nhận thức của người nông dân về vai trò của sản xuất nồng nghiệp hữu cơ trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, theo Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, môi trường sản xuất hữu cơ cần phải có thời gian theo dõi và chuyển đổi lâu dài nên quy mô được cấp giấy chứng nhận đối với từng loại cây trồng, vật nuôi theo mục tiêu của đề án chưa cao, chưa đạt theo chỉ tiêu đề ra; Diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của từng loại cây trồng, vật nuôi còn thấp so với yêu cầu của đề án.
Chưa có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ, phần lớn diện tích được cấp giấy chứng nhận chủ yếu được hỗ trợ thực hiện từ nguồn kinh phí của đề án.
Từ những hạn chế ở trên, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho rằng, có những khó khăn và nguyên nhân như, định mức hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn thấp, một số tổ chức, cá nhân chưa duy trì gia hạn cấp giấy chứng nhận hữu cơ khi hết hạn; Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, làm xuất hiện các loại dịch bệnh mới, khó kiểm soát trong khi môi trường canh tác chưa được cải tạo.
Các loại vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa được phổ biến trên thị trường, chưa có bất kỳ sản phẩm nào được công bố trong danh mục sử dụng; Liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn rời rạc, chưa đầy đủ, mới chỉ tập trung hỗ trợ tư vấn xây dựng ở bước đầu,
Chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao, song năng suất sản lượng sản phẩm sản xuất hữu cơ ở giai đoạn đầu lại không cao so với sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, cũng với đó thì nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tương đối thấp, chưa đủ tạo động lực để khuyến khích người dân tham gia
Mất nhiều thời gian để chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp vô cơ sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giá thành các sản phẩm hữu cơ lại cao hơn so với các sản phẩm thông thường, thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ chưa rộng rãi.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi quy trình, các tiêu chí sản xuất, canh tác khắc khe và phức tạp; kinh phí cấp giấy chứng nhận khá cao, khi hết hạn phải thực hiện thủ tục hồ sơ xin cấp lại.
Đề án được phê duyệt từ quý IV/2020 và tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 trong năm 2021, do đó nhiều nội dung không thể triển khai đảm bảo theo tiến độ.
Công tác phối hợp giữa các đơn vị có liên quan và các địa phương chưa thật sự đồng bộ, toàn diện; công tác chỉ đạo, đôn đốc còn thiếu quyết liệt, việc triển khai thực hiện một số nội dung của đề án có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ, lùng tùng và gặp nhiều bất cập.
Đa số các huyện, thành phố gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí kinh phí tự chủ của địa phương để triển khai thực hiện các nội dung của đề án.
Công tác tuyên truyền, thông tin, cập nhật kiến thức, hiểu biết về mục đích, ý nghĩa của sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho người dân tại các địa phương thiếu thường xuyên và chưa kịp thời.
Vì vậy, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, đề xuất đối với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: Tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết 03 năm triển khai thực hiện đề án, để đánh giá toàn diện các nội dung, từ đó đề xuất những định hướng phù hợp cần triển khai thực hiện gắn với tỉnh hình thực tế hiện nay như: mở rộng đối tượng cây trồng vật nuôi, không giới hạn về quy mô và diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Chủ động tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để thực hiện đảm bảo mục tiêu, hiệu quả của Đề án đã xác định.
Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hỗ trợ các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện các nội dung của đề án đảm bảo các yêu cầu đề ra, tăng cường phối hợp với tổ chức Hội Nông dân các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, thông tin, cập nhật kiến thức, đào tạo tập huấn về nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương.
Nghiên cứu, xây dựng và hướng dẫn quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, bền vững cho bà con nông dân, giúp người dân tự chủ động nguồn cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngay chính tại địa phương.
Quan tâm thực hiện các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như: giá trị gia tăng cao của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, 100% diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ và vật nuôi chăn nuôi hữu cơ được chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam và Quốc tế; trên 90% sản lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đảm bảo đầu ra ổn định, có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan để hỗ trợ liên kết, tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của tỉnh.
Đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng: Chỉ đạo các huyện, thành phố phối hợp trách nhiệm với Sở Nông nghiệp và PTNT trong triển khai thực hiện đề án; đồng thời hỗ trợ nguồn kinh phí để triển khai và nhân rộng các mô hình có hiệu quả tại các địa phương.
Yêu cầu thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc, huyện Lạc Dương, huyện Đơn Dương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Đề án, đồng thời cân đối bố trí nguồn kinh phí của cấp huyện để phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tại địa phương.
Tổ chức sơ kết việc thực hiện đề án để kịp thời định hướng, chỉ đạo các nội dung, giải pháp cần tiếp tục triển khai thực hiện nhằm đảm bảo các mục tiêu của Đề án đặt ra.
Chỉ đạo Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động kết nối, liên kết và tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được tham gia giới thiệu, tiêu thụ trên các sàn giao dịch thương mại, các siêu thị, điểm bán lẻ trong và ngoài tỉnh.
Quan tâm bố trí nguồn kinh phí, đặc biệt là nguồn kinh phí lồng ghép từ các chương trình, đề án khác do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý để tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của đề án trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh./.