Ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Hợp tác xã môi trường và sản xuất kinh doanh dịch vụ Anh Đăng, kiểm tra chất lượng phân hữu cơ sau khi ép.
Tại huyện Vĩnh Tường, những năm trước, lượng lớn chất thải trong chăn nuôi bò sữa ở xã Vĩnh Thịnh khiến môi trường bị ô nhiễm. Hiện nay, hoạt động chăn nuôi bò sữa tại Vĩnh Thịnh đã có chuyển biến tích cực, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, ô nhiễm môi trường giảm mạnh. Người có công gom thất thải chăn nuôi bò vừa làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời sản xuất phân hữu cơ mang lại lợi ích kinh tế đó là anh Nguyễn Văn Thảo ở thôn Trại Trì.
Theo anh Thảo, xã Vĩnh Thịnh có phong trào nuôi bò sữa từ lâu và đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, nhiều hộ trở nên giàu có vì thế đàn bò mỗi năm một tăng. Hiện nay, toàn xã có hơn 10.000 con bò, trong đó có khoảng 9.000 con bò sữa. Lượng phân từ tổng đàn bò của xã thải ra là trên 200 tấn/ngày đêm. Phần lớn lượng phân này được người dân mang đi chăm bón các loại cây trồng trên đồng ruộng, đặc biệt là chăm sóc hàng trăm ha cỏ phục vụ chăn nuôi bò ở địa phương. Còn cả chục tấn chất thải chăn nuôi bò bà con không có nhu cầu sử dụng mang đi nhiều nơi vứt bỏ gây ô nhiễm môi trường diện rộng.
Từ thực tế đó, anh Nguyễn Văn Thảo có ý tưởng xây dựng cơ sở chuyên thu gom, biến chất thải chăn nuôi dư thừa ở địa phương thành sản phẩm có ích cung cấp cho nhà vườn, địa phương có thế mạnh gieo trồng nhưng thiếu hụt nguồn phân bón hoặc đang lạm dụng nguồn phân vô cơ.
Năm 2017, anh Nguyễn Văn Thảo quyết định thành lập Hợp tác xã môi trường và sản xuất kinh doanh dịch vụ Anh Đăng, do anh làm Giám đốc. Hợp tác xã chuyên thu gom phân bò để sản xuất phân bón hữu cơ. Cơ sở sản xuất chính của anh đặt tại xứ đồng Gia Cư, thôn Khách Nhi Xuôi, xã Vĩnh Thịnh, rộng 3.500m2, có mái che, hệ thống bể gom, bể biogas, hai máy ép phân do Italy sản xuất... với tổng kinh phí đầu tư gần 3 tỷ đồng.
Hợp tác xã hỗ trợ bà con thùng chứa phân bò, cử công nhân hàng ngày đi thu gom phân về bãi sản xuất. Bình quân mỗi tháng, Hợp tác xã thu gom 1.400 - 1.500 tấn phân bò tươi.
Tại bãi sản xuất, phân bò được chia ra để pha trộn chế phẩm sinh học, đưa vào máy ép và ủ nhằm khử mùi, khử nấm và khuẩn có hại, tạo ra thành phần hữu cơ, đáp ứng sản xuất nông nghiệp sạch.
Thành phẩm sau khi xử lý được kiểm tra kỹ, đảm bảo độ tơi, xốp, không mùi, hàm lượng dinh dưỡng nuôi cây cao, giúp cải tạo đất và bảo vệ môi trường. Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã cung ứng ra thị trường hơn 300 - 330 tấn phân bón hữu cơ. Trừ các khoản chi phí đầu tư, anh Thảo thu lời từ 80 - 90 triệu đồng/tháng. Hợp tác xã tạo việc làm ổn định cho 14 - 20 lao động địa phương với thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Bà Đỗ Thị Nga ở thôn An Lão Xuôi, xã Vĩnh Thịnh cho rằng, từ khi có Hợp tác xã thu gom, sản xuất phân bón hữu cơ, lượng chất thải chăn nuôi giảm rõ rệt, đường làng, ngõ xóm sạch hơn. Người dân không mất thời gian, công sức vận chuyển chất thải đi nơi khác.
Hiện nay, Hợp tác xã môi trường và sản xuất kinh doanh dịch vụ Anh Đăng sản xuất nguồn phân hữu cơ khá ổn định, thị trường mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc.
Anh Nguyễn Văn Thảo chia sẻ, ở Vĩnh Thịnh đã có thêm đầu mối thu gom và đang xuất hiện một số cơ sở sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi. Điều này có nghĩa, muốn có nguồn nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ thời gian tới, các cơ sở thu gom phải cạnh tranh. Nhờ có thêm các cơ sở thu gom, sản xuất, chất thải chăn nuôi ở Vĩnh Thịnh sẽ hiếm hơn, quý hơn và điều đáng nói là xã sẽ giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường - một vấn đề chính người dân nơi đây mong đợi từ nhiều năm qua.
Không chỉ riêng Hợp tác xã môi trường và sản xuất kinh doanh dịch vụ Anh Đăng thành công trong thu gom chất thải chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ, mà còn có một số mô hình tương tự ở các huyện khác tại Vĩnh Phúc đang phát huy hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị Bổng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tài Yên ở khu 7, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương cũng tích cực biến chất thải thành phân bón hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường. Năm 2000, chị nhận thấy chăn nuôi trở thành thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương nhưng nguồn chất thải của vật nuôi chưa được tận dụng. Năm 2019, chị đầu tư xây dựng nhà xưởng hơn 800 m2, mua sắm máy móc sản xuất phân bón hữu cơ. Chị vận động một số hộ dân trong xã tham gia Hợp tác xã Tài Yên chuyên thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ cung cấp cho nhà vườn, hộ sản xuất nông nghiệp.
Hợp tác xã Tài Yên thu gom chất thải nuôi gà từ các trang trại chăn nuôi về xử lý, trộn với chế phẩm sinh học và ủ, khử nấm, vi khuẩn có hại, tạo ra thành phần hữu cơ, đáp ứng sản xuất nông nghiệp sạch. Đến nay, sản phẩm phân bón hữu cơ của Hợp tác xã ngày càng được nhiều nông dân biết đến, đánh giá cao. Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã bán ra thị trường từ 300-400 tấn phân bón hữu cơ, doanh thu đạt từ 3-4 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động địa phương với thu nhập 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc cho hay, việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi thành nguồn phân hữu cơ tại địa phương mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Tỉnh khuyến khích người dân, cơ sở, doanh nghiệp thu gom, xử lý chất thải trong chăn nuôi và trồng trọt làm nguồn phân bón hữu cơ, phục vụ phát triển bền vững, nâng cao chất lượng nông sản.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa giai đoạn 2022-2024 cho nông dân trên địa bàn. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ; lợi ích, hiệu quả sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa; hướng dẫn kỹ thuật xử lý cho hộ tham gia mô hình; hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ cho cây lúa vụ mùa 2022. Việc sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý giúp rơm rạ nhanh hoai mục, đất được cải tạo, khắc phục tình trạng rơm rạ vứt bừa bãi và nạn đốt đồng (đốt rơm rạ) sau thu hoạch khiến khói bụi bao phủ diện rộng...