![]() |
Hình ảnh đàn bò sữa hữu cơ tại Lâm Đồng |
Phát triển nông nghiệp hữu cơ vượt chỉ tiêu
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng, đến cuối năm 2024, diện tích trồng trọt hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.700 ha, vượt 6,76% kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, tỉnh đã chứng nhận hữu cơ cho 1.005 con bò sữa, 38 con bò thịt và 15.000 con gà đẻ trứng. Một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như rau, cà phê, điều, lúa gạo đã được xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại rộng rãi.
Tuy vậy, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng gặp không ít khó khăn. Chi phí chứng nhận cao, vật tư đầu vào hữu cơ còn hạn chế, thời gian chuyển đổi dài và nguồn kinh phí hỗ trợ còn phân tán. Tỉnh kiến nghị điều chỉnh chính sách hiện hành nhằm tăng cường hỗ trợ tài chính, phát triển hệ thống chứng nhận và nhân rộng mô hình sản xuất liên kết chuỗi.
Thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn – hướng đi bền vững
Bên cạnh đó, Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030, tập trung tái sử dụng phụ phẩm và xử lý chất thải. Mục tiêu đến năm 2030 là thu gom 95% phụ phẩm nông nghiệp, tái sử dụng 70% và giảm 30% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Các chỉ tiêu cụ thể cũng được đặt ra như: 100% trang trại và 80% hộ chăn nuôi xử lý chất thải đúng quy định; 60% chất thải chăn nuôi được tái sử dụng; và 95% phụ phẩm lâm nghiệp được tái chế thành nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, thực tế vẫn thiếu mô hình tuần hoàn cụ thể ở cấp huyện, hệ thống chứng nhận sản phẩm tuần hoàn chưa hình thành, còn nhiều rào cản về tài chính và khoa học – công nghệ.
Tỉnh đề ra loạt giải pháp: mở rộng mô hình mẫu cấp huyện, hỗ trợ kỹ thuật, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý phụ phẩm, xây dựng bộ tiêu chí nông nghiệp tuần hoàn và tập huấn cho cán bộ, hợp tác xã theo chuỗi giá trị khép kín.
Năng lượng tái tạo – nhân tố thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh
Ngoài ra, Lâm Đồng đã triển khai nhiều mô hình sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất nông nghiệp như: điện mặt trời áp mái cho trang trại trồng rau, hoa công nghệ cao; hệ thống tưới tiêu dùng năng lượng mặt trời ở vùng cà phê, cây ăn trái; hầm biogas trong chăn nuôi bò; máy sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời; sản xuất compost và biochar từ phụ phẩm nông nghiệp.
Mặc dù còn hạn chế về quy mô và chủ yếu do doanh nghiệp, hợp tác xã tiên phong thực hiện, những mô hình này đã cho thấy hiệu quả thiết thực trong giảm phát thải khí nhà kính, phục hồi đất và tiết kiệm chi phí sản xuất. Tỉnh Lâm Đồng đề xuất mở rộng truyền thông, đào tạo kỹ thuật và khuyến khích hộ nông dân, hợp tác xã ứng dụng công nghệ sạch để tiến tới nền nông nghiệp phát thải thấp.
![]() |
Trụ điện gió tại tỉnh Lâm Đồng |
Lâm nghiệp bền vững – trụ cột ứng phó biến đổi khí hậu
Song song với phát triển nông nghiệp, Lâm Đồng đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021–2025. Công tác bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực: số vụ vi phạm giảm mạnh từ 1.543 vụ (năm 2021) xuống còn 955 vụ (năm 2024); hệ thống chi trả dịch vụ môi trường rừng được duy trì hiệu quả, mang lại nguồn tài chính ổn định; công nghệ số như FMRS 4.0 và UAV đã được ứng dụng trong giám sát rừng.
![]() |
Công tác bảo vệ rừng của tỉnh Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực |
Tuy nhiên, tỉnh vẫn đối mặt với thách thức: độ che phủ rừng năm 2025 dự kiến chỉ đạt 54,2% (thấp hơn mục tiêu 55%), một số diện tích rừng bị lấn chiếm chưa được phục hồi kịp thời, thiếu mô hình lâm nghiệp hấp thụ carbon và tín chỉ carbon tự nguyện.
Để khắc phục, tỉnh kiến nghị thiết lập hệ thống MRV cấp tỉnh, phục hồi rừng hấp thụ CO₂, phát triển mô hình lâm nghiệp sinh thái gắn với tín chỉ carbon, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào du lịch sinh thái và bảo vệ rừng theo cơ chế đối tác công – tư (PPP).
Chuỗi giá trị nông sản bền vững theo chuẩn EUDR
Trước yêu cầu của thị trường châu Âu về sản phẩm không gây mất rừng, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai mạnh mẽ chuỗi giá trị nông sản bền vững theo Quy định EUDR. Tỉnh đã tổ chức 15 lớp tập huấn, hoàn thành truy xuất nguồn gốc cho hơn 33.000 hộ trồng cà phê với diện tích gần 46.000 ha tại Di Linh và Lạc Dương.
Hiện 49,3% diện tích cà phê toàn tỉnh đã đạt chứng chỉ bền vững. Tuy nhiên, để đáp ứng kịp thời khi EUDR chính thức có hiệu lực từ 31/12/2025, tỉnh cần mở rộng truy xuất cho phần diện tích còn lại và huy động thêm nguồn lực kỹ thuật, tài chính từ các tổ chức quốc tế.
Khẳng định vai trò tiên phong trong thực hiện cam kết quốc tế
Từ các kết quả nêu trên, có thể thấy Lâm Đồng không chỉ là một trong những địa phương đầu tiên cụ thể hóa cam kết COP26 vào các chương trình hành động nông nghiệp, mà còn đặt nền móng quan trọng cho việc xây dựng nền nông nghiệp không phát thải, tuần hoàn và có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu.
Việc kết hợp giữa giải pháp thực tiễn, ứng dụng công nghệ và huy động hợp tác quốc tế đã giúp Lâm Đồng trở thành hình mẫu trong triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Trong thời gian tới, nếu được hỗ trợ đầy đủ về thể chế, tài chính và nhân lực, Lâm Đồng hoàn toàn có thể mở rộng các mô hình nông nghiệp sinh thái trên toàn tỉnh, qua đó tạo đòn bẩy thực sự cho thị trường carbon và hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050./.