Sầu riêng trồng theo hướng hữu cơ tại huyện Ia Grai (Gia Lai).
Ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, sản xuất nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng kể về năng suất, sản lượng, chủng loại và quy mô sản xuất. Tuy nhiên, nông nghiệp của tỉnh cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ bởi sức cạnh tranh chưa cao, vấn đề ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, bùng phát sâu bệnh… Điều này xuất phát từ việc sử dụng nhiều hóa chất trong sản xuất không được kiểm soát. Hiện nay, việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do đòi hỏi quy trình khắt khe, ràng buộc bởi nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật.
Để đạt được mục tiêu sản xuất nông nghiệp hữu cơ của đề án đặt ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, Gia Lai cần ưu tiên sử dụng các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi để sản xuất hữu cơ. Đồng thời, lựa chọn loại cây trồng, thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu sâu bệnh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Diện tích chuối trồng theo hướng hữu cơ tại huyện Đăk Đoa (Gia Lai).
Bên cạnh đó, các địa phương cần xác định cụ thể cây trồng có thế mạnh, lợi thế, tiềm năng của từng vùng để phát triển nông nghiệp hữu cơ; trong đó, tập trung một số loại cây trồng như: cà phê, tiêu, chè, điều, lúa, rau, cây ăn quả, dược liệu. Từ đó, hình thành vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, đặc trưng có tiềm năng để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm để đầu tư sản xuất hữu cơ gắn với phát triển các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.
Thực tế, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm của ngành nông nghiệp Gia Lai, từ đó đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường "khó tính" như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Hiện tỉnh Gia Lai có gần 100 ha đất canh tác được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, còn có hàng nghìn héc ta được người dân trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ.
Sơ chế chuối trồng theo hướng hữu cơ tại huyện Đak Đoa (Gia Lai).
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang ở xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa là một trong những đơn vị tiên phong sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo các tiêu chuẩn của Mỹ, châu Âu. Hợp tác xã đã có trên 30 ha các loại cây trồng như hồ tiêu, cà phê, mắc ca, sầu riêng được chứng nhận hữu cơ.
Ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang cho biết, cách đây 5 năm, đơn vị đã xây dựng thành công thương hiệu tiêu Lệ Chí và được Tổ chức quốc tế Control Union cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ, châu Âu. Hiện các sản phẩm hồ tiêu, cà phê hữu cơ của các thành viên trong hợp tác xã đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường "khó tính".
Chăm sóc diện tích cà phê trồng theo hướng hữu cơ tại huyện Chư Sê (Gia Lai).
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, sản xuất nông nghiệp từ hóa học đã gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe con người, môi trường đất bị thoái hóa. Từ đó, đặt ra một câu hỏi là làm thế nào để môi trường đất được tốt hơn, để cây trồng phát triển theo tự nhiên. Sau khi tìm hiểu, học hỏi kiến thức từ nhiều nguồn thì câu trả lời là chỉ còn cách sản xuất đạt chuẩn hữu cơ. Vì thế, Hợp tác xã đã tiên phong sản xuất nông nghiệp hữu cơ để bà con nông dân trong tỉnh có nơi trao đổi kinh nghiệm, lan tỏa cách làm nông nghiệp hữu cơ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang nhận định, sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại nhiều lợi ích, vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe, vừa đảm bảo đất đai ngày càng màu mỡ, bền vững theo thời gian. Tuy sản xuất nông nghiệp hữu cơ năng suất không cao nhưng chất lượng luôn đảm bảo để xuất khẩu sang các thị trường "khó tính".
Thu hoạch hồ tiêu trồng theo hướng hữu cơ tại huyện Chư Sê (Gia Lai).
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất và tiêu thụ cà phê, Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp đã đầu tư xây dựng trang trại cà phê hữu cơ với diện tích 45 ha tại huyện Chư Sê. Trang trại đã được đánh giá và cấp chứng nhận Organic theo tiêu chuẩn của Mỹ và nhận chứng nhận hữu cơ theo chuẩn của Nhật Bản, EU và Hàn Quốc.
Ngoài vùng trồng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp còn xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê liên kết với hơn 10.000 nông hộ, tuân thủ các yêu cầu canh tác bền vững, bảo vệ môi trường, đạt các chứng nhận quốc tế về cà phê bền vững như UTZ, 4C. Hiện cà phê nhân hữu cơ được Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp xuất khẩu với giá cao hơn 300% so với giá cà phê nhân không được chứng nhận. Trong số đó, thương hiệu cà phê L’amant Organic xuất khẩu với giá cao hơn 100% so với giá cà phê chế biến không được chứng nhận.
Gia Lai hiện còn có các hợp tác xã sản xuất cây trồng theo hướng hữu cơ, cho hiệu quả tích cực như Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Linh Nham ở xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang với 27 ha được chứng nhận phương pháp sản hữu cơ cho hạt tiêu đen và cà phê theo tiêu chuẩn của Mỹ, châu Âu; Hợp tác xã Nông nghiệp Tú An 1 (xã Tú An, thị xã An Khê) với 3 ha cà gai leo được chứng nhận sản xuất hữu cơ theo Tiêu chuẩn Việt Nam.