Ảnh minh họa. |
Các quốc gia hiện nay ngoài mục tiêu phát triển kinh tế thì đã từng bước chú trọng bảo vệ môi trường. Theo đó, các chính sách đã được ban hành, trong đó có chính sách chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, con người, bảo tồn hệ sinh thái và các khoản chi khác nhằm chuyển dịch nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh.
Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng được xem là mục tiêu của tăng trưởng xanh bền vững tại các quốc gia. Theo F. Han, M. U. Farooq, M. Nadeem và M. Noor, 2022, nghiên cứu tại 10 quốc gia ô nhiễm nhất trên thế giới cho thấy, khi quy mô nền kinh tế càng tăng thì càng dẫn tới ô nhiễm môi trường, đặc biệt là xả thải khí carbon thông qua tiêu dùng quá mức năng lượng hóa thạch. Nhiều quốc gia bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển đưa ra các ưu tiên chính sách để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và sử dụng các nguồn năng lượng hiệu quả, trong đó có chính sách chi ngân sách nhà nước. Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng được xem là mục tiêu của tăng trưởng xanh bền vững
Các chính sách chi ngân sách nhà nước cho tăng trưởng xanh bao gồm chính sách chi cho đầu tư công trong nghiên cứu và phát triển, chi ngân sách cho các lĩnh vực công nghiệp mới, cơ sở hạ tầng sử dụng nguồn năng lượng sạch, bảo tồn đa dạng hệ sinh thái, nguồn nước và không khí, khoa học công nghệ, con người… Tiêu dùng, sản xuất các nguồn năng lượng hóa thạch hay các hàng hóa thông thường có thể gây tác động ngoại sinh tiêu cực tới môi trường và đây được xem là thất bại của thị trường nếu không có sự can thiệp của nhà nước. Do đó, chính phủ sẽ tăng chi tiêu cho các lĩnh vực cụ thể để hướng các hoạt động trong nền kinh tế đến tăng trưởng xanh và chi tiêu của chính phủ được xem là sẽ định hình tương lai cho phát triển kinh tế xanh của quốc gia.
Chính sách thuế, phí của Việt Nam ngày càng hoàn thiện theo hướng hạn chế tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường; thúc đẩy sản xuất, đầu tư xanh; thúc đẩy tiêu dùng xanh. Minh chứng là từ năm 2010, Việt Nam đã ban hành Luật Thuế Bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 với mục tiêu đánh thuế vào các hàng hóa mà việc sử dụng các hàng hóa này gây ô nhiễm môi trường, nhằm góp phần thay đổi nhận thức của con người đối với môi trường; huy động thêm nguồn lực cho ngân sách, cũng như khuyến khích sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả. Thuế Bảo vệ môi trường được xây dựng dựa trên nguyên tắc “người nào sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm phải nộp thuế”.
Hay như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 khuyến khích sản xuất xanh và tiêu dùng xanh. Theo đó, ô tô điện và ô tô chạy bằng năng lượng sinh học đã được áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn so với xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Luật số 106/2016/QH13 điều chỉnh một số thuế xuất nhằm tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng các chủng loại xe tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường, trong đó có xe ô tô điện…
Mặc dù nhiều chính sách ưu đãi thuế được ban hành, nhưng chính sách thuế, phí của Việt Nam trên cơ sở tiếp cận công cụ kinh tế nói chung và thuế nói riêng cho mục tiêu Bảo vệ môi trường còn chưa thực sự đủ mạnh để điều tiết hiệu quả hành vi của các chủ thể trong nền kinh tế nhằm hướng đến sản xuất xanh, tiêu dùng xanh. Đây là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý trong thời gian tới. Và đây chính là khoản đầu tư lâu dài cho các thế hệ mai sau./.