Đồng chí Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại buổi làm việc. |
Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cùng các đồng chí lãnh đạo đơn vị trực thuộc sở.
Tại buổi làm việc đồng chí Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang đã thông tin khái quát tình hình sản xuất nông nghiệp tại Tuyên Quang. Trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đã có nhiều nông dân nhận thức được lợi ích của sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ; có nhu cầu và mong muốn chuyển đổi sản xuất theo phương pháp hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và giúp cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, đất đai được chăm sóc màu mỡ, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang, tính đến tháng 12/2024, Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 02 lớp đào tạo giảng viên (TOT) về sản xuất nông nghiệp hữu cơ với 79 học viên là các cán bộ nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở; 12 lớp tập huấn cho nông dân tại các huyện và thành phố về sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và kỹ năng hoạt động nhóm, giám sát thanh tra sản xuất theo tiêu chuẩn PGS; Phối hợp với Hội Nông nghiệp hữu cơ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức 13 lớp tập huấn kiến thức nông nghiệp hữu cơ, tiêu chuẩn PGS, tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam (TCVN11042) với 353 học viên. Thực hiện lồng ghép, tổ chức 05 hội nghị để tuyên truyền cơ chế, chính sách về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn các huyện, thành phố với trên 400 người tham gia. Tổ chức 01 chuyến đi học tập kinh nghiệm về sản xuất hữu cơ cho 15 người/chuyến tại các tỉnh Sơn La, Hoà Bình.
Hiện nay tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt 334 ha, trong đó: 11,2 ha lúa; 188 ha chè; 60,2 ha cam; 64 ha bưởi... Hỗ trợ xây dựng tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hữu cơ sản xuất theo PGS; duy trì áp dụng dán tem QR truy xuất nguồn gốc trên 100% các sản phẩm hữu cơ.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết nối các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cam, chẻ cho các nhóm nông dân, hợp tác xã. Kết quả đã kết nối với các doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch để tiêu thụ sản phẩm cam cho các nhóm sản xuất với giá bán ổn định từ đầu vụ đến cuối vụ là 25.0000 - 30.000 đồng/kg; giá bán sản phẩm chè hữu cơ tăng gấp 2 lần so với sản xuất chè thông thường.
Đồng chí Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang đánh giá cao sự đồng hành của Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam trong sự phát triển của của địa phương, góp phần phát triển nông nghiệp hữu cơ hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Và mong muốn Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang để tổ chức các lớp tập huấn tại hiện trường cho nông dân và các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đồng thời triển khai các lớp đào tạo hỗ trợ cho PGS Tuyên Quang vận hành và hoạt động hiệu quả. Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt trên cây chè, cây ăn quả, cây lúa, cây rau, dược liệu...; trong chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm, thủy sản... Giới thiệu, kết nối và tổ chức các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tỉnh Tuyên Quang tìm hiểu cơ hội đầu tư, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, HTX của tỉnh Tuyên Quang để tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
“Để phát triển nông nghiệp hữu cơ thì công tác truyền thông là yếu tố then chốt” - Đồng chí Mai Thị Hoàn nhấn mạnh.
Theo đó, Đồng chí Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang mong muốn Tạp chí Hữu cơ Việt Nam/ Tạp chí điện tử Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam quan tâm, thông tin đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân các chính sách pháp luật, các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ bằng nhiều hình thức. Nhằm tuyên truyền sâu rộng đến người dân về định hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đặc biệt, quảng bá các sản phẩm hữu cơ giúp nông dân, doanh nghiệp liên kết thị trường tiêu thụ nông sản trong nước cũng như quốc tế.
TSKH. Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (đầu tiên bên phải) phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu ý kiến, TSKH. Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam bày tỏ niềm vui về sự phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp hữu cơ nói riêng của tỉnh Tuyên Quang thời gian qua. Nhất là việc phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng, khí hậu, chất đất, nguồn nước chưa bị ô nhiễm rất thuận lợi cho sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Tuyên Quang, trước đó vào tháng 5/2022, UBND tỉnh Tuyên Quang và Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2022-2025 và điều chỉnh, bổ sung để triển khai thực hiện đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu hướng đến nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tạo điều kiện thuận lợi để các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) tăng cường hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giúp người dân nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản thông qua mở rộng phát triển nông nghiệp hữu cơ.
TSKH. Hà Phúc Mịch chia sẻ, đối với Việt Nam, lịch sử canh tác hữu cơ đã hình thành từ lâu, song do cơ chế chính sách và thị trường tiêu thụ, khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất hữu cơ còn hạn chế. Hơn nữa trong thời gian dài, Việt Nam chưa có tổ chức nông nghiệp hữu cơ, mãi đến năm 2011, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam mới ra đời.
Thời gian qua, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam được xem là đơn vị đầu tiên cũng như là tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, Hiệp hội đã có nhiều văn bản tư vấn, đề xuất cơ chế chính sách với các Bộ, ngành và kết quả đã được Bộ NN&PTNT, Chính phủ cụ thể hóa bằng chính sách cho phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam. Hiện nay nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành tạo điều kiện phát triển nông nghiệp hữu cơ như: Nghị quyết số 19-NQ/TW/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ "khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn". Trước đó, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và năm 2020 có Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 - TSKH. Hà Phúc Mịch cho biết.
Trong thời gian tới, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang tổ chức đào tạo, tập huấn thực tế cho nông dân, phổ biến, lan tỏa, nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đồng thời triển khai các lớp đào tạo hỗ trợ cho PGS Tuyên Quang vận hành và hoạt động hiệu quả.
TSKH. Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho biết, Hiệp hội đã ký hiệp thư về việc Việt Nam sẽ đăng cai Đại hội IFOAM hữu cơ châu Á lần thứ 8 vào năm 2025 tại Ninh Bình. Hội nghị Hữu cơ châu Á là sự kiện hữu cơ quy tụ các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các lãnh đạo chính quyền địa phương của khoảng 33 quốc gia. Đây là cơ hội để Việt Nam học hỏi, tham khảo từ các quốc gia trong khu vực, quốc tế về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Thông qua Hội nghị Hữu cơ châu Á lần thứ 8, các sản phẩm nông sản hữu cơ chất lượng cao và các sản phẩm OCOP của Việt Nam sẽ được giới thiệu rộng rãi. Đồng thời, sự kiện còn góp phần nâng cao hình ảnh đất nước Việt Nam, thể hiện sự hội nhập và phát triển bền vững trong cộng đồng quốc tế.
Nhà báo Đỗ Ngọc Thi, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Hữu cơ Việt Nam/ Tạp chí điện tử Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam phát biểu. |
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Nhà báo Đỗ Ngọc Thi, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Hữu cơ Việt Nam/ Tạp chí điện tử Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho biết, Tạp chí Hữu cơ Việt Nam/ Tạp chí điện tử Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam với chức năng nhiệm vụ thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh....; Các kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp. Tham gia tư vấn, phản biện chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.
Nhà báo Đỗ Ngọc Thi cho biết, sau khi nghe ý kiến từ Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang cho thấy có sự tương đồng nhất định trong định hướng phát triển chung về lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ giữa cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và cơ quan truyền thông. Chính vì vậy Ban biên tập tạp chí cũng đã xác định đồng hành với chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân để kết nối tạo giá trị và lan tỏa. Xác định mục tiêu trong thời gian tới, ngoài kênh thông tin chính thống của Tạp chí là tạp chí in và tạp chí điện tử sẽ tiếp tục thông tin thường xuyên các hoạt động của người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, Tạp chí sẽ phát triển thêm các phương thức truyền thông đa nền tảng khác như Youtube, Facebook, TikTok,… để lan tỏa mạnh mẽ hơn về lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh....
Đặc biệt, năm 2025 Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị Hữu cơ Châu Á lần thứ 8 chính vì vậy Tạp chí Hữu cơ Việt Nam/ Tạp chí điện tử Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam sẽ có trách nhiệm tham gia tuyên truyền sự kiện này.
Nhà báo Đỗ Ngọc Thi, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Hữu cơ Việt Nam/ Tạp chí điện tử Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam mong muốn Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện đồng hành để Tạp chí hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác tuyên truyền lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh...
Ông Hà Lê Bình, Chủ tịch Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang. |
Ông Hà Lê Bình, Chủ tịch Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, nhận thức được vị trí, vai trò của nông nghiệp hữu cơ thì tỉnh Tuyên Quang đã có những cơ chế, chính sách rất kịp thời để thúc đẩy, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Năm 2024 Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang đã đề xuất và đã được tỉnh đồng ý hỗ trợ xây dựng 2 mô hình chè hữu cơ, đây cũng là tiềm năng phát triển và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Các cơ quan quản lý nhà nước, bộ ngành liên quan sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn, chứng nhận hữu cơ toàn quốc.
Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, vai trò của truyền thông hết sức quan trọng nếu không có truyền thông sẽ không đạt được kết quả như mong muốn, truyền thông giúp người nông dân, doanh nghiệp lan tỏa giá trị to lớn trọng sản xuất hữu cơ, vừa bảo đảm thu nhập cho người dân vừa tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo môi trường sinh thái… Ông Hà Lê Bình nói.