Quang cảnh hội thảo Năng lượng tái tạo tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Cáp Vương) |
Trong khuôn khổ chương trình MERE2024, tổ chức từ ngày 05-07/12/2024, các chuyên gia đã tập trung phân tích về vai trò của năng lượng tái tạo trong việc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. Hội thảo do Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam (VJTC) và Viện Nghiên cứu vùng và đô thị (IRUS) phối hợp tổ chức. Đây là một sự kiện quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và cung cấp các giải pháp cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Năng lượng tái tạo đóng vai trò trọng tâm
Hiện nay, Việt Nam đang phải thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường, đặc biệt là mục tiêu đạt "Phát thải ròng bằng 0" (Net Zero) vào năm 2050 như đã công bố tại Hội nghị COP26. Trong bối cảnh đó, năng lượng tái tạo là giải pháp quan trọng, vừa giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, vừa giảm thiểu tác động đến môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai chiến lược này không chỉ là bài toán kỹ thuật, mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và cộng đồng.
Nhằm giải quyết những vấn đề then chốt liên quan đến năng lượng tái tạo và mục tiêu Net Zero, chương trình MERE2024 năm nay đã tập trung vào các vấn đề thực tiễn của năng lượng tái tạo tại Việt Nam, nhằm cung cấp thông tin, phân tích thách thức và đưa ra giải pháp khả thi trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trong ngày 6/12, chương trình đã diễn ra với 6 chuyên đề chính, thảo luận về thực trạng năng lượng tái tạo hiện nay, vai trò của năng lượng tái tạo trong hành trình hướng đến Net Zero và bài học từ các dự án tiên phong. Đặc biệt, chuyên đề về truyền thông trong lĩnh vực năng lượng đã làm rõ cách báo chí có thể hỗ trợ hiệu quả trong việc thúc đẩy ý thức cộng đồng và tuyên truyền các chính sách liên quan.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Dũng - Trưởng phòng Năng lượng tái tạo thuộc PECC3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), nhấn mạnh: "Thuật ngữ Net Zero hay 'Phát thải ròng bằng 0' ra đời từ COP26, là một mục tiêu môi trường nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính (như CO2, CH4, N2O,...) xuống mức cân bằng với khả năng hấp thụ hoặc loại bỏ khí thải của Trái Đất. Lĩnh vực điện là cơ hội lớn cho mục tiêu Net Zero của Việt Nam, nhờ tiềm năng sản xuất năng lượng tái tạo vượt trội”.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng chỉ ra rằng quá trình điện hóa các ngành công nghiệp, chẳng hạn như việc chuyển đổi từ phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện, sẽ làm tăng đáng kể nhu cầu điện. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về đầu tư vào hệ thống hạ tầng phụ trợ như truyền tải, lưu trữ điện năng và tích hợp công nghệ lưới điện thông minh.
Chiến lược quốc gia về Net Zero của Việt Nam đặt trọng tâm vào phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm mục tiêu đến năm 2050 đạt 150 GW công suất điện gió (chủ yếu ngoài khơi) và 70 GW điện mặt trời. Đồng thời, việc giảm dần sự phụ thuộc vào điện than sau năm 2030 và cân nhắc sử dụng điện nguyên tử được xem như các bước đi đột phá. Những chính sách này không chỉ thúc đẩy giảm phát thải mà còn khai thác hiệu quả lợi thế tự nhiên về nguồn tài nguyên dồi dào của Việt Nam.
Đoàn tham quan turbine gió trang trại phong điện Phú Lạc 1 và Phú Lạc 2 tại tỉnh Bình Thuận. |
Ngoài ra, hội thảo đã học hỏi từ các quốc gia đi trước, cho thấy sự thành công trong chuyển đổi năng lượng tái tạo cần sự hợp tác quốc tế và đầu tư chiến lược dài hạn. Các mô hình từ những nước này là minh chứng rõ ràng cho tính khả thi và hiệu quả của năng lượng tái tạo nếu được thực hiện đồng bộ và khoa học.
Với vai trò là cầu nối tri thức và hành động, MERE2024 khẳng định rằng năng lượng tái tạo không chỉ là một giải pháp kỹ thuật mà còn là chiến lược phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào mục tiêu Net Zero toàn cầu. Trong hành trình đầy thách thức này, sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội chính là chìa khóa để Việt Nam đạt được các cam kết môi trường, đồng thời tạo nền tảng cho một nền kinh tế xanh và phát triển toàn diện trong tương lai.
Báo chí - sợi dây liên kết vì mục tiêu năng lượng bền vững
Tầm quan trọng của năng lượng tái tạo trong chiến lược Net Zero không chỉ nằm ở khía cạnh bảo vệ môi trường, mà còn liên quan đến sự tham gia của các cơ quan truyền thông trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng. Hội thảo MERE2024 đã chỉ ra rằng, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền về năng lượng tái tạo và mục tiêu Net Zero. Các phóng viên, nhà báo không chỉ cần cung cấp thông tin chính xác về các vấn đề này mà còn có vai trò đóng góp vào việc thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ hiểu rõ về những lợi ích và thách thức khi chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
PGS. TS. Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, khẳng định: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và nhu cầu cấp bách về chuyển đổi năng lượng, truyền thông đóng vai trò là cầu nối quan trọng để nâng cao nhận thức cộng đồng, huy động sự ủng hộ từ các bên liên quan và thúc đẩy hành động thực tiễn. Các phóng viên, nhà báo – những người đang công tác tại các cơ quan báo chí trên khắp cả nước – chính là lực lượng nòng cốt trong việc đưa thông điệp về năng lượng tái tạo đến gần hơn với công chúng, đồng thời thúc đẩy sự quan tâm và hợp tác từ doanh nghiệp, chính quyền, và các tổ chức xã hội”.
Hội thảo MERE2024 cũng được kỳ vọng là diễn đàn để các phóng viên, nhà báo tiếp cận những xu hướng và thông tin mới, từ đó thảo luận các giải pháp truyền thông sáng tạo. Một trong những điểm nổi bật của hội thảo là việc nhấn mạnh các phương pháp tác chiến báo chí thời đại 4.0 do nhà báo Nguyễn Quang Liêm (Phó Trưởng Ban Đa phương tiện, Báo Người Lao động) trình bày. Ông đã chia sẻ các kỹ thuật như kể chuyện đa phương tiện, sáng tạo nội dung trên mạng xã hội và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí. Ông Liêm còn khẳng định: “Đây là những công cụ mạnh mẽ giúp báo chí hiện đại hóa và tối ưu hóa thông điệp, đặc biệt là trong việc truyền tải nội dung liên quan đến năng lượng tái tạo đến với công chúng”.
Cũng tại hội thảo, nhà báo Nguyễn Thu Quỳnh (Báo Tia Sáng), một nhà báo chuyên lĩnh vực môi trường, đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về cách thức viết bài báo phân tích sâu. Bà Quỳnh chia sẻ: “Việc phát hiện vấn đề, xây dựng chủ đề và triển khai bài viết chi tiết không chỉ giúp truyền đạt thông tin mà còn góp phần định hình tư duy và thái độ của độc giả đối với các vấn đề môi trường, bao gồm năng lượng tái tạo”. Những ví dụ thực tiễn mà bà mang đến không chỉ minh họa cho những thách thức mà ngành năng lượng tái tạo đang đối mặt, mà còn làm rõ tiềm năng và lợi ích mà nó mang lại cho xã hội.
Đoàn phóng viên, nhà báo tham quan thực tế tại khu trồng dưa lưới sạch trong khuôn viên trang trại điện gió Phú Lạc 1 và 2. |
Bên cạnh đó, các hoạt động thực tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết của phóng viên về năng lượng tái tạo. Trước đó, ngày 5/12, các phóng viên, nhà báo đã có chuyến tham quan nhà điều hành, trạm truyền tải điện, kho sửa chữa và turbine gió của Trang trại điện gió Phú Lạc 1 và 2 tại tỉnh Bình Thuận. Chuyến đi này giúp họ hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của năng lượng tái tạo trong việc giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo sự bền vững cho tương lai. Đây cũng là nguồn cảm hứng để họ viết nên những bài báo mang tính phân tích sâu sắc, hướng đến việc thay đổi nhận thức và thúc đẩy hành động từ cộng đồng.
Từ các bài học thực tế đến các kỹ năng được trang bị, hội thảo MERE2024 không chỉ khẳng định vai trò của báo chí mà còn thúc đẩy sự sáng tạo trong công tác truyền thông. Báo chí không chỉ giúp kết nối cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền và tổ chức xã hội mà còn trở thành một nhân tố quan trọng trong việc định hình nhận thức và hành động của xã hội đối với năng lượng tái tạo.
Có thể thấy, trong hành trình hướng đến mục tiêu Net Zero, năng lượng tái tạo và báo chí là hai thành tố không thể tách rời. Nếu năng lượng tái tạo là trọng tâm của chiến lược phát triển xanh, bền vững, thì báo chí chính là cầu nối giúp chiến lược này đến được với từng cá nhân và tổ chức trong xã hội. Hai yếu tố này cần luôn luôn song hành phát triển, bổ trợ lẫn nhau nhắm thẳng mục tiêu đưa Việt Nam tiến gần hơn đến một tương lai xanh và bền vững.