Ảnh minh họa. |
Từ năm 2017 Bộ Khoa học và công nghệ đã chính thức ban hành bộ tiêu chuẩn Việt Nam dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có hiệu lực. Việc xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ được thực hiện trên cơ sở tham khảo, so sánh với các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn nước của các nước có nền nông nghiệp hữu cơ phát triển như Mỹ, EU, Nhật và các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc.
Đây là cơ sở quan trọng để người nông dân thực hành nông nghiệp hữu cơ và căn cứ vào đó, các cơ quan chức năng có thể kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất và kinh doanh các mặt hàng hữu cơ. Bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ vừa được công bố quy định cụ thể về các lĩnh vực: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ; tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ.
CVN 11041-2:2017 Trồng trọt hữu cơ: Theo tiêu chuẩn này, trồng trọt hữu cơ cần đảm bảo các yêu cầu như vùng sản xuất phải được khoanh vùng, phải có vùng đệm. Chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ theo đúng yêu cầu với cây hàng năm và cây lâu năm, duy trì sản xuất hữu cơ. Lựa chọn loài và giống cây trồng đưa vào sản xuất hữu cơ có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái của địa phương. Áp dụng đa dạng cây trồng bằng phương thức luân canh, xen canh đối với cây hàng năm.
TCVN 11041-3:2017 Chăn nuôi hữu cơ: Tiêu chuẩn này đưa ra đối với các yêu cầu chăn nuôi hữu cơ, theo đó khu vực chăn nuôi phải được khoanh vùng, việc chuyển đổi sản xuất và chuyển đổi vật nuôi đảm bảo thời gian theo quy định đối với từng loại vật nuôi. Việc chọn giống vật nuôi, con giống và phương pháp nhân giống phải phù hợp nguyên tắc của chăn nuôi hữu cơ. Vật nuôi nên được cung cấp tối ưu 100% thức ăn hữu cơ đồng thời có biện pháp quản lý tốt sức khỏe vật nuôi.
Việc xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) nêu trên thực hiện trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ (CODEX, IFOAM), quy định và tiêu chuẩn khu vực (EU, ASEAN), tiêu chuẩn của Mỹ, Nhật Bản hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc…, đảm bảo hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Mặt khác, để phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh của Việt Nam, Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia đã tổ chức khảo sát, khảo nghiệm tiêu chuẩn tại một số cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Tiêu chuẩn này đưa ra các nguyên tắc chung về sản xuất hữu cơ tại các trang trại, từ giai đoạn sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, ghi nhãn, marketing và đưa ra các yêu cầu đối với vật tư đầu vào như phân bón, yêu cầu về ổn định đất canh tác, kiểm soát sinh vật gây hại và bệnh cây trồng, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến… Nông nghiệp hữu cơ là các hệ thống quản lý sản xuất toàn diện nhằm đẩy mạnh và tăng cường sức khỏe sinh thái nông nghiệp, bao gồm cả đa dạng sinh học, các chu trình sinh học và năng suất sinh học. Nông nghiệp hữu cơ nhấn mạnh đến việc quản lý các hoạt động canh tác, giảm thiểu việc dùng vật tư, nguyên liệu từ bên ngoài và có tính đến các điều kiện từng vùng, từng địa phương.
Nông nghiệp hữu cơ được thực hiện phụ thuộc vào khả năng từng vùng về các phương pháp trồng trọt, sinh học, cơ học, hạn chế việc dùng các vật liệu tổng hợp để đáp ứng bất cứ chức năng riêng biệt nào trong hệ thống. Hệ thống sản xuất hữu cơ được thiết kế sao cho tăng cường đa dạng sinh học trong toàn hệ thống; nâng cao hoạt tính sinh học của đất; duy trì được lâu dài độ phì của đất; tái chế các chất thải có nguồn gốc từ thực vật và dộng vật nhằm trả lại các chất dinh dưỡng cho đất, do đó giảm thiểu việc sử dụng các tài nguyên không thể phục hồi được. Dựa vào các tài nguyên có thể phục hồi được trong các hệ thống nông nghiệp được tổ chức tại địa phương, nông nghiệp hữu cơ khuyến khích sử dụng hợp lý đất đai, nước và không khí cũng như giảm thiểu ô nhiễm do các hoạt động nông nghiệp; Nhấn mạnh việc sử dụng các phương pháp chế biến cẩn trọng trong quá trình xử lý các sản phẩm nông nghiệp, để duy trì được nguyên vẹn các phẩm chất hữu cơ quan trọng của sản phẩm trong tất cả các giai đoạn;
Thiết lập phương pháp phù hợp cho mọi trang trại thông qua giai đoạn chuyển đổi thích hợp, xác định bởi các yếu tố đặc trưng như lịch sử vùng đất, loại cây trồng và vật nuôi để sản xuất. Riêng về tiêu chuẩn yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ, tiêu chuẩn này được xây dựng với mục tiêu chính là đưa ra các yêu cầu cho các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động chứng nhận sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam, phù hợp với các tiêu chuẩn về trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ với các tiêu chuẩn quốc tế. Việc ban hành bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ kịp thời, hài hòa với quốc tế là rất cần thiết cho mọi thành phần tham gia, bảo vệ người tiêu dùng tránh bị lừa dối, tránh gian lận trong thương mại và tránh công bố sản phẩm thiếu căn cứ; bảo vệ các cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm hữu cơ trước những cách làm ăn phi đạo đức.
Các tiêu chuẩn này đều nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất hữu cơ nói riêng, góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng chất lượng sản phẩm, hàng lưu thông trong nước và xuất khẩu. Đây là bộ tiêu chuẩn đầu tiên dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ. Cùng với hiệu lực của bộ TCVN về nông nghiệp hữu cơ, Bộ Khoa học và công nghệ cũng ra quyết định hủy bỏ tiêu chuẩn TCVN 11041: 2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiêp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ.
Tuy nhiên, việc thực thi liệu có bảo đảm sự nghiêm ngặt cần thiết như bộ tiêu chuẩn đưa ra hay không vẫn còn là một dấu hỏi lớn, cần sự đồng hành của nhiều cơ quan chức năng, cơ quan hành pháp và đội ngũ những nhà sản xuất hữu cơ chân chính. Yêu cầu này bảo đảm nông nghiệp hữu cơ áp dụng lâu dài, bền vững, theo hướng sinh thái và có tính hệ thống, giảm thiểu việc gây ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất./.